Ca 'bắt con' đầy nước mắt của ê-kíp 20 y, bác sĩ và sản phụ

Phát hiện ung thư vú khi thai mới được 12 tuần tuổi, nhưng người mẹ trẻ Nguyễn Thị L (28 tuổi, quê tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) quyết tâm phải khỏe mạnh tới cùng để sinh đứa con này. Và ca mổ lấy em bé ở tuần 31 đã thành công trong nước mắt của cả bác sĩ và gia đình chiều nay, 22-5.

Người mẹ trẻ dồn hết sức để sinh con an toàn, khỏe mạnh.

Người mẹ trẻ dồn hết sức để sinh con an toàn, khỏe mạnh.

Một lần nữa, xã hội được chứng kiến câu chuyện xúc động mà người mẹ - Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối để sinh bé Gấu khỏe mạnh cách đây ba năm. Ngày hôm nay, 22-5, tại Bệnh viện K, một em bé nữa chào đời bằng tất cả những nỗ lực duy trì sức khỏe đến cùng của một bà mẹ cũng bị ung thư giai đoạn cuối.

Bản năng làm mẹ vượt lên trên tất cả sự đau đớn

Ở tuổi thai tuần thứ 12, người mẹ trẻ thấy cơ thể không bình thường. Những cơn ho kéo dài gây tức vùng ngực, cơ thể mệt mỏi, hạch nổi ở vai và hai chân đã phù, đau nhức. Chị L đã đến Bệnh viện K khám và được chẩn đoán đã ung thư vú giai đoạn tiến triển (giai đoạn 4) đã di căn. Ngã khuỵu vì tin sét đánh, chị không thể ngờ, khối u ở vú lúc chị phát hiện khi thai ở tuần thứ 8 không phải là viêm tuyến sữa thông thường của mọi sản phụ. Một mầm mống phá hủy sức khỏe chị đã và đang tiến triển rất nhanh.

Đứng trước quyết định, hoặc là bỏ thai để điều trị căn bệnh ung thư quái ác, hoặc là giữ lại sinh linh bé bỏng đang thành hình hài trong cơ thể mình, chị L đã quyết phải sinh con tới cùng.

Sản phụ Nguyễn Thị L yếu ớt khi mang thai ở những tuần cuối.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân vào viện khi thai được 22 tuần, tình trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp khó thở, tràn dịch màng phổi. Sau khi gia đình thống nhất ý kiến quyết tâm giữ con thì bệnh viện đã hội chẩn liên bệnh viện với các chuyên gia của Bệnh viện 103, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thống nhất cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày ấy.

Chị L được nhập viện theo dõi, khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi. Ở tuần 22, chị trải qua hai đợt điều trị hóa trị. Sáu tuần sau khi hóa trị, chị L xuất hiện dấu hiệu khó thở, bác sĩ đánh giá tổn thương tràn dịch màn phổi tiến triển, bệnh nhân L ngay lập tức chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị triệu chứng, thở ô-xy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền… Tất cả thuốc sử dụng đều được các bác sĩ hai chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn thận để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.

Hơn hai tháng nằm viện, bệnh nhân không thể nằm thở được mà phải ngồi 24/24 giờ, mỗi ngày chỉ ngủ hai tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương, phổi... hạch dày đặc trên cơ thể.

Ngày 22-5, thai nhi ở tuần thứ 31, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh.

Trước lúc lên bàn mổ, L cố gắng nói bằng chất giọng yếu ớt rằng chỉ khao khát được nhìn thấy con khỏe mạnh và sẽ là một em bé bình an trong cuộc đời này với tên Đỗ Bình An.

20 y, bác sĩ dốc sức cho ca mổ đẻ hy hữu

Sản phụ Nguyễn Thị L là một sản phụ đặc biệt. Ca phẫu thuật cũng vô cùng hy hữu khi các bác sĩ phải tiến hành mổ lấy em bé khi sản phụ ở tư thế ngồi - đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh. Bệnh nhân suy yếu dần, hơi thở yếu ớt… tất cả như một sự thách thức với ê-kíp 20 y, bác sĩ.

Người mẹ trẻ đã kiên cường trải qua ca mổ thành công.

PGS, TS Trần Danh Cường, Bệnh viện Phụ sản Trung ương - người trực tiếp thực hiện ca sinh hy hữu này cảm động kể, L là một sản phụ kiên cường dù cơ thể rất yếu ớt, phải cúi người để thở. Chút sức lực của người mẹ ấy, khiến tất cả ê-kíp nghẹn ngào nhưng cũng phải thao tác rất nhanh chóng.

Giây phút bé trai chào đời cũng là giây phút mà người mẹ trẻ và cả ê-kíp phẫu thuật trào nước mắt. Bé trai nặng 1,5 kg được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ê-kíp còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ. Và sau đó là cuộc chiến khác với hy vọng cứu người mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện K chia sẻ, khi mổ, ê-kíp không thể gây mê vì có thể bệnh nhân không tỉnh lại được, vì thế chỉ gây tê tủy sống. “Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, vẫn có thể có nguy cơ mất cả mẹ lẫn con. Nhưng với sự tập trung cao độ, ê-kíp phẫu thuật là các bác sĩ hàng đầu tại hai bệnh viện, em bé Đỗ Bình An đã chào đời trong sự yêu thương vô bờ của người mẹ và tất cả y bác sĩ”, BS Đức cho biết.

Bé Đỗ Bình An nặng 1,5 kg được đưa về Bệnh viện Phụ sản Trung ương nuôi trong lồng ấp.

Đồng hành cùng con con gái trong suốt thời gian đau đớn vì căn bệnh ung thư hành hạ, bà Ngân, mẹ chị L không giấu được nước mắt khi nghĩ đến cô con gái còn quá trẻ không may mắc bệnh và đứa cháu ngoại đang nằm trong lồng kính. “Gia đình chúng tôi thực sự biết ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, giúp đỡ hai mẹ con. Chúng tôi không biết nói gì hơn, sự ra đời của Bình An chính là hồi sinh lần hai của con gái tôi. Cháu sẽ có thêm nghị lực để còn được nhìn con nhiều hơn, lâu hơn”, bà Ngân nghẹn ngào nói.

Đỗ Bình An đến với thế giới này bằng nghị lực, quyết tâm và tình yêu thương vô bờ của mẹ L và không thể thiếu sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt của các bác sĩ. Cầu mong cho người mẹ trẻ kiên cường chiến đấu với bệnh tật để được chăm sóc Bình An yêu thương mà mẹ đã dành tất cả những sức lực yếu ớt của mình để cho con một hình hài khỏe mạnh.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/40279602-ca-%E2%80%9Cbat-con%E2%80%9D-day-nuoc-mat-cua-e-kip-20-y-bac-si-va-san-phu.html