BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ làm chủ kỹ thuật khó cứu sống nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân

Các bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện thành công kỹ thuật đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi (PICC) cho một em bé sinh non 28 tuần, nặng 0.9 kg, suy hô hấp độ III.

Đáng chú ý, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ là đơn vị y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có thể thực hiện được kỹ thuật này.

Trước đó, ngày 9/5/2021, sản phụ L.T.C (trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) mang song thai (IVF) 28 tuần sinh non 2 bé trai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Ngay sau sinh, hai em bé được điều trị thở máy và nuôi dưỡng trong lồng kính tại Khoa Sơ sinh.

Trong quá trình chăm sóc và điều trị, bé trai nặng 0.9 kg, suy hô hấp độ III được chỉ định đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi.

Nhân viên y tế đang thực hiện kỹ thuật đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi.

Nhân viên y tế đang thực hiện kỹ thuật đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi.

Kỹ thuật khó cứu sống nhiều trẻ sơ sinh

BSCKI. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: Đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi (PICC) hay còn gọi là kỹ thuật đặt “longline” là kỹ thuật đưa một catheter (bằng silicon hoặc polyurethane) có đường kính rất nhỏ, dài từ tĩnh mạch ngoại vi vào đến tĩnh mạch trung tâm giúp nuôi dưỡng tĩnh mạch, duy trì dịch có độ thẩm thấu cao, thuốc vận mạch và có thể cho phép đo áp lực tĩnh mạch trung tâm ở trẻ sơ sinh, nhất là ở các trẻ sinh non và sinh cực non.

Thiết lập PICC được chỉ định thực hiện trong các trường hợp cần phải nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài; truyền dịch với nhu cầu nồng độ thẩm thấu cao, nồng độ Glucose > 12.5% hoặc bệnh nhân có tình trạng bệnh cần duy trì các loại thuốc cần đưa vào ven lớn/ven trung tâm như các thuốc vận mạch, Natri Bicarbonat, những bệnh nhân tim bẩm sinh, sau phẫu thuật ổ bụng, duy trì kháng sinh kéo dài, hoặc những bệnh nhân khó thiết lập đường ven ngoại vi.

Đây là một kỹ thuật khá phức tạp, đòi hỏi được thực hiện bởi đội ngũ nhân viên y tế giàu chuyên môn và dày dặn kinh nghiệm.

Em bé sơ sinh sau khi được đặt PICC và được nuôi dưỡng trong lồng kính.

Việc triển khai và làm chủ được kỹ thuật đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi tại Bệnh viện mang lại rất nhiều giá trị trong điều trị trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Ưu điểm của kỹ thuật này là tạo 1 đường truyền ổn định, lưu được tối đa 1 tháng, lâu hơn so với các đường truyền thông thường, do đó giảm đáng kể tình trạng stress ở trẻ do đau đớn khi phải lấy ven hàng ngày.

Khi PICC được thiết lập không chỉ giúp nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và cả trẻ lớn khi trẻ không thể thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng qua đường miệng hoặc sonde dạ dày mà còn hỗ trợ điều trị một số bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch của bệnh nhi.

Kỹ thuật này rất cần thiết trong thực hành lâm sàng ở đơn vị hồi sức sơ sinh, tỷ lệ cứu sống trẻ sơ sinh nhẹ cân, rất nhẹ cân được cải thiện đáng kể.

Hà Nguyệt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/buoc-tien-moi-trong-dieu-tri-cac-benh-ly-so-sinh-tai-bv-san-nhi-tinh-phu-tho-n194079.html