Buýt sông đang làm nhiệm vụ tàu du lịch

Tuyến buýt sông đầu tiên của TP.HCM gần nửa năm ra đời đã thu hút nhiều hành khách, tuy nhiên phần lớn đi để ngắm cảnh.

“Tôi ở Hà Nội vào thăm bà con, nghe nói có tuyến buýt sông nên muốn đi để ngắm cảnh TP. Đến đây mới biết phải đợi cả tiếng đồng hồ mới có một chuyến, sốt cả ruột. Vậy thì sao phục vụ hành khách đi làm được?” - ông Nguyễn Tiến Tùng, một hành khách đang đợi lên tàu buýt sông bến Bạch Đằng, quận 1 chia sẻ với PV ngày 13-5.

Đi để trải nghiệm

Khoảng 9 giờ ngày 13-5, tại bến Bạch Đằng, PV ghi nhận có khá đông khách đi buýt sông. Họ đi theo từng nhóm bạn hay gia đình. Tất cả đều có chung một mục đích là đi chỉ để tham quan, ngắm cảnh. Gần như các ghế của tàu (sức chứa 80 ghế/tàu) đều có người ngồi.

Theo nhân viên bán vé tại bến Bạch Đằng, vào những ngày thường tỉ lệ sử dụng ghế chỉ đạt khoảng 50%. Riêng vào ngày cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật thì buýt sông thường đông khách. “Những ngày thường vắng hơn nên hành khách có thể mua vé trước giờ buýt khởi hành. Riêng các ngày cuối tuần có thể hết vé nên hành khách nên gọi đặt mua vé sớm” - cô nhân viên nói.

Hành khách Nguyễn Thanh Hoan, ngụ quận Tân Bình, cho biết: “Nghe nói TP.HCM có tuyến buýt sông này cũng khá lâu rồi, hôm nay tôi mới có dịp đi trải nghiệm. Mua vé thì dễ nhưng thời gian đợi tàu về thì lâu quá. Tôi phải đợi hơn một tiếng đồng hồ mới được xuất bến. Vì vậy, khi nhân viên hướng dẫn tôi mua vé khứ hồi thì tôi từ chối vì sợ phải đợi tàu, chiều quay về đây muộn”.

Hành khách Phạm Thanh Sang bày tỏ: “Ngoài thời gian chờ đợi quá lâu, xe buýt còn chưa tiếp cận được với buýt sông nên tôi phải mất thời gian lội bộ một quãng xa để bắt xe buýt về nhà. Bất cập nữa là chi phí đi lại còn cao. Trong khi nếu sử dụng phương tiện công cộng khác thì chỉ mất khoảng 12.000 đồng, còn buýt sông phải mất 30.000 đồng cho hai lượt đi và về”.

Sáng 13-5, nhiều gia đình đưa con em đi tuyến buýt sông. Ảnh: THÁI NGUYÊN

Sắp thêm ba bến buýt sông

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1), bản chất buýt sông là phương tiện vận chuyển hành khách, người dân có thể dùng vào mục đích đi làm, đi học, đi chơi… Đối với những góp ý của người dân cho rằng chưa thể sử dụng buýt sông để đi làm vì phải chờ lâu, ông Toản nói công ty mới hình thành nên còn nhiều việc phải hoàn thiện dần. “Chúng tôi tiếp thu và sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hành khách” - ông Toản nói.

Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông đường thủy. TP.HCM có hơn 100 tuyến sông, kênh rạch chằng chịt với chiều dài hơn 1.000 km nên việc phát triển mô hình buýt sông có nhiều thuận lợi; sẽ góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời kéo giảm ùn tắc giao thông trên đường bộ. Bên cạnh đó, buýt đường sông còn góp phần phục vụ nhu cầu du lịch của người dân mọi miền.

Ông PHAN CÔNG BẰNG Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở GTVT TP.HCM

Ông Toản cho biết đơn vị đang triển khai đầu tư thêm ba bến buýt sông gồm Saigon Pearl, Thảo Điền và Tầm Vu để người dân tiếp cận thuận lợi hơn với buýt sông. Hiện Công ty Thường Nhật đang triển khai thiết kế và thẩm định thiết kế ba bến buýt sông này, đồng thời tiến hành khảo sát địa hình, thủy văn, thủy triều… để tổ chức thi công sau khi mặt bằng được giải phóng.

Về câu hỏi có tăng số lượng tàu để giảm thời gian đợi tàu của hành khách, ông Toản nói đơn vị đang cân nhắc, tính toán nhưng về lâu dài thì phải tăng để đáp ứng nhu cầu hành khách. Cũng theo ông Toản, qua thống kê và đánh giá nhu cầu đi lại của người dân, công ty đang nghiên cứu triển khai mô hình taxi đường sông nhằm phục vụ cho những nhóm hành khách có nhu cầu đi nhanh, về nhanh. Việc này cũng góp phần đa dạng hóa các loại hình đi lại bằng đường thủy tại TP.HCM.

Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở GTVT TP.HCM, ba bến buýt sông mới dự kiến đến cuối năm 2018 mới có thể đưa vào sử dụng.

Về than phiền của hành khách về trạm xe buýt chưa kết nối với bến buýt sông, ông Bằng khẳng định hiện các tuyến xe buýt đường bộ cơ bản đã kết nối đến tận bến buýt sông, chỉ có bến Linh Đông do đường kết nối nhỏ nên xe buýt chưa vào tới.

Hoàn tất các bến buýt sông trong quý III-2018

Tuyến buýt sông số 1 khai trương ngày 25-11-2017. Toàn tuyến dài khoảng 10,8 km với điểm đầu là bến Bạch Đằng (quận 1), điểm cuối là bến Linh Đông (quận Thủ Đức), đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Số tàu phục vụ cho toàn tuyến số 1 là năm tàu, trong đó bốn tàu vận chuyển hằng ngày và một tàu dự bị. Lộ trình của tuyến có chín bến chính thức.Theo kế hoạch, trong quý III-2018 sẽ hoàn tất việc xây dựng các bến tuyến buýt đường sông số 1.

Lộ trình tuyến buýt sông số 1: Bến số 1 (Bạch Đằng, quận 1) - bến số 2 (Saigon Pearl, quận Bình Thạnh) - bến số 3 (Bình An, quận 2) - bến số 4 (Thảo Điền, quận 2) - bến số 5 (Tầm Vu, quận Bình Thạnh) - bến số 6 (Thanh Đa, quận Bình Thạnh) - bến số 7 (Bình Triệu, quận Thủ Đức) - bến số 8 (Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) - bến số 9 (Linh Đông, quận Thủ Đức). Thời gian di chuyển từ bến đầu đến bến cuối là khoảng 30 phút, trong đó thời gian cho tàu cập mỗi bến để đón và trả khách là ba phút. Giá vé 15.000 đồng/khách/lượt.

THÁI NGUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/giao-thong/buyt-song-dang-lam-nhiem-vu-tau-du-lich-770252.html