Buýt đường sông TPHCM hết 'mắc cạn'

Sau nhiều lần lùi thời hạn đưa vào sử dụng, tuyến tàu buýt đường sông đầu tiên của TPHCM chính thức được đưa vào vận hành thử nghiệm ngày 21.8. Việc đưa vào sử dụng tuyến buýt đường sông sẽ giúp người dân có thêm phương tiện đi lại nhằm giảm lượng xe trên đường bộ, giảm ùn tắc giao thông.

Tuyến tàu buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) vận hành kỹ thuật vào ngày 21.8, dự kiến đến tháng 10 mới đón khách. Ảnh: MINH QUÂN

Đây cũng là chủ trương đa dạng hóa sản phẩm du lịch để TPHCM hướng đến mục tiêu thu hút 11 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020.

Tuyến buýt đường sông đã có 6 năm chuẩn bị

Tuyến buýt đường sông số 1 dài 10,8km, lộ trình từ Bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, đến khu vực P.Linh Đông (Q.Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới. Trên tuyến này có 12 bến đón, trả khách nằm rải rác tại các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Toàn tuyến có 5 tàu buýt, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt.

Sau khi được vận hành và thông tuyến kỹ thuật an toàn, tuyến buýt đường sông số 1 sẽ chính thức đi vào hoạt động phục vụ hành khách vào tháng 10. Như vậy, tính từ ngày UBND TPHCM đồng ý về chủ trương để các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án xây dựng hai tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông trên địa bàn TP (buýt đường sông) vào tháng 10.2011, đến nay, tuyến buýt đường sông đã có 6 năm chuẩn bị.

Sau khi trải nghiệm tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông, ông Nguyễn Thanh Phong, nhà ở Quận 7, TPHCM chia sẻ, khi đi lại trên tuyến đường sông này, mọi người đều cảm thấy thoải mái, đặc biệt tuyến buýt đường sông này ngắm cảnh quan hai bên bờ sông rất đẹp.

Tuy nhiên, theo ông Phong, chủ đầu tư cần trang bị thêm các tiện ích khác phục vụ hành khách mỗi khi đi lại như: Bố trí chỗ để đồ trên tàu, ở các vị trí lên xuống tàu cần chú ý việc đảm bảo an toàn cho người già, trẻ em; làm hệ thống tàu buýt có hệ thống boong ở bên trên (giống xe buýt hai tầng) để khách ngắm cảnh,… Mặt khác, để tuyến buýt sông hoạt động hiệu quả cần có sự kết nối hệ thống vận tải đường bộ như xe buýt, taxi,...

Giảm tải cho đường bộ

Ông Nguyễn Kim Toản - GĐ Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án) - cho biết, tuyến buýt đường sông đầu tiên này là một loại hình vận tải mới nhằm để người dân thành phố có thêm phương thức vận tải mới để đi lại. Bên cạnh đó khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng nhiều hơn, giúp phát triển du lịch.

Ông Toản cam kết tuyến buýt đường sông đầu tiên đảm bảo an toàn về kỹ thuật, có sự tính toán về nhiệt độ, độ ẩm của miền Nam. Tuyến buýt đường sông này cũng hướng đến giá trị văn hóa 300 năm của thành phố - trên bến dưới thuyền. Đặc biệt, ông cam kết tuyến này tuyệt đối đảm bảo phù hợp với cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.

Theo ông Ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TPHCM, thành phố có lợi thế là có hơn 1000km tuyến đường thủy nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Ông Cường hy vọng loại hình giao thông mới này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông.

Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, hiện nay giao thông công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân chủ yếu là với xe buýt và taxi. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 loại hình này sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt và taxi ước chiếm 17%, 3% còn lại là loại hình vận tải như metro và buýt đường sông.

Giám đốc sở GTVT chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị chức năng phải đảm bảo an toàn, kỹ thuật và đẩy nhanh các hạng mục còn lại của dự án để đưa vào khai thác đồng bộ trong thời gian sớm nhất.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, những tích cực của tuyến buýt này là giúp chia tải cho giao thông đường bộ cũng như tạo đà để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để duy trì và đạt được hiệu quả cao, các đơn vị phải có phương án kết nối giữa đường bộ và đường thủy, thông qua hệ thống xe buýt, bến bãi.

Về việc này, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, các vị trí làm bến bãi của tuyến buýt số 1 đều bố trí bãi giữ xe cho hành khách và hiện một số bến đã có kết nối với đường bộ bằng xe buýt như Bạch Đằng, Linh Đông. Còn những bến chưa có kết nối, nhà đầu tư đã đề xuất sử dụng xe buýt điện hoặc liên hệ với đơn vị vận tải bố trí lộ trình cho xe buýt chạy vào nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Trong quá trình hoạt động, nhà đầu tư cũng sẽ dần hoàn thiện những hạng mục phụ chưa xong để bảo đảm tính đồng bộ cho tuyến buýt đường sông.

Ngoài tuyến số 1, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) dài 10,3km, lộ trình từ Bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (P.7, Q.6) cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Hiện, tuyến này đang tạm hoãn lại do ảnh hưởng việc xây dựng đập ngăn triều Bến Nghé. Dự kiến tuyến buýt này sẽ khai trương vào đầu năm 2018. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng đã chấp thuận bổ sung thêm 2 tuyến “buýt” đường sông số 3 (từ bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Minh Quân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doi-song-xa-hoi/buyt-duong-song-tphcm-het-mac-can-551010.ldo