Bút thép - bút hoa

Tờ báo của chúng ta, tờ báo của tôi hôm nay có gì? Vẫn là dòng chữ đầu báo thân thuộc 'Quân đội nhân dân', những cái tít lớn, những bức ảnh tinh khôi, nóng hổi làm nổi bật các sự kiện mới nhất trong nước và quốc tế cùng các vấn đề, câu chuyện về đời sống của đất nước, quân đội và nhân dân. Vẫn là tờ báo in nhiều màu thời thế kỷ mới cùng các trang báo điện tử, các chương trình video, audio, các tờ báo tuần, báo tháng.

Hôm qua vừa cùng lần giở từng trang từng trang những số báo thuở ban đầu ra mắt trên Chiến khu Việt Bắc và các số báo xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ thì sáng nay, mấy nhóm phóng viên trẻ đã lại lên đường. Nhóm này đi tuyên truyền về đại hội đảng. Các nhóm khác đến với các bệnh viện dã chiến, khu cách ly hay đến với vùng xa biên giới, hải đảo, các vùng mưa lũ hay nơi phải lo chống nguy cơ hạn, mặn mùa tới... Từ các trang báo cũ đến những bước chân phóng viên hôm nay dường như không có khoảng cách. Vẫn là tinh thần, bản lĩnh và tác phong luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ của tờ báo Bộ đội Cụ Hồ, tờ báo của quân đội từ dân, do dân, vì nhân dân phục vụ. Vẫn như gặp lại hình bóng những phóng viên chiến trường năm xưa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) thăm và làm việc tại Báo Quân đội nhân dân, tháng 10-2015. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) thăm và làm việc tại Báo Quân đội nhân dân, tháng 10-2015. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tôi hiểu tại sao bộ đội, công an ta luôn ưu tiên đón đưa phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến những vùng mưa lũ, đất lở, đê vỡ. Tôi nhớ hình ảnh những phóng viên nữ được bà con người Mông nơi vùng cao níu giữ sau những ngày chị em leo núi đến ăn ở cùng họ. Tôi nhớ chuyện anh phóng viên giữa vùng bão lũ Quảng Bình được người dân cho mượn con trâu để cưỡi qua nơi ngập lụt lầy lội vào tâm lũ tác nghiệp. Những ngày kia và cả mới hôm qua nữa, giống như chúng tôi năm nào, các phóng viên trẻ lại được bộ đội và người dân Trường Sa hay đảo Trần, đảo Lý Sơn chiêu đãi những bát canh rau tươi ít ỏi do chính họ trồng giữa nơi cát bỏng...

Tất cả bắt đầu từ đâu? Rất giản dị và rõ ràng, chỉ một chữ “Có” là đầu đề bài xã luận ra mắt số báo Quân đội nhân dân đầu tiên. “Có” là lời đáp của mọi trái tim Bộ đội Cụ Hồ trước mệnh lệnh của Tổ quốc. Những người làm tờ báo của Bộ đội Cụ Hồ-một đơn vị xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đương nhiên phải luôn sẵn sàng tâm thế ấy. Thật sống động và tự hào khi ngay từ số ra mắt, khí thế hào hùng của Chiến thắng Biên giới (tháng 10-1950) đã kịp thời tràn trên các trang báo. Và ngay trong buổi ban mai tươi sáng đó cũng đã có những điều bi tráng diễn ra khi nhà báo, nhà văn Trần Đăng ngã xuống bên Đường số 4, trước khi quân ta mở Chiến dịch Biên giới; khi nhà báo, nhà thơ Thâm Tâm hy sinh trên đường trở lại mặt trận. Tiếp theo là sự hy sinh của nhà báo, nhà thơ Hoàng Lộc. Sau các ông là những tấm gương hy sinh giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Dư đứng thẳng trên chiến hào, vừa cầm súng cùng bộ đội đánh giặc, vừa cầm máy ảnh và cây bút ghi về cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Một hình ảnh uy phong, lẫm liệt in đậm trên trang sử vì nước, vì dân của tờ báo anh hùng.

May mắn lắm thay, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều nhà báo của thế hệ đầu tiên ấy “bắp chân, đầu gối vẫn săn gân” để làm nên nòng cốt và tiên phong cho tờ báo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để dìu dắt thế hệ chúng tôi cùng nhập cuộc và trưởng thành. Học các ông, chúng tôi biết ăn ở thế nào để phòng tránh được sốt rét ở rừng Trường Sơn hay trên các vùng biên giới phía tây đất nước Campuchia; biết được cách ghi chép và viết bài ngay giữa các trận đánh, cách chuyển bài, phim ảnh về tòa soạn nhanh nhất... Và bao quát hơn cả là tầm nhìn, cách nhìn vào cuộc sống và cuộc chiến, tư thế và tư cách nhà báo chiến sĩ trước những biến động thời cuộc.

Vì sao tờ báo cũ đã ngả màu vẫn cứ cuốn hút chúng tôi và cả lớp người làm báo trẻ hôm nay? Như lửa chiến hào truyền trên mặt báo vẫn rừng rực. Như những nụ cười cùng tấm lòng kiên gan của cán bộ, chiến sĩ ta vẫn làm rộn lên những niềm vui và niềm tin. Phía sau mỗi bài báo, bức ảnh là bao câu chuyện vui-buồn và tiếc nuối của những cuộc đời làm báo. Làm sao có thể đến được, viết và chụp được ảnh nơi các “tọa độ lửa” Non Nước, Núi Đanh, Nà Sản, Thượng Lào, Điện Biên Phủ... thời chống Pháp? Hay những Vạn Tường, Ia Đrăng, Vĩnh Linh, Đường 9-Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị... Làm sao giữa vòng vây địch vẫn có thể đến được Củ Chi, rồi nội đô Sài Gòn, các trại ngụy quân giam cán bộ, chiến sĩ ta tại Phú Quốc? Làm sao có thể đến được các chiến trường Lào, Campuchia để viết về quân dân các nước bạn cùng Quân tình nguyện Việt Nam đánh Mỹ? Làm sao có thể cùng bộ đội trụ vững trên các trận địa đối mặt với máy bay, pháo hạm tối tân của giặc Mỹ? Làm sao để có được những bức ảnh sớm nhất về Phnom Penh giải phóng hay bài viết, hình ảnh về chiến trận biên cương phía Bắc?... Vì sao khi rau cháo, cơm độn chia nhau mà cứ luôn vững tin về ngày toàn thắng, về ngày đất nước, quê hương ấm êm, bừng sáng?

Tờ báo của Bộ đội Cụ Hồ phải có khí chất, bản lĩnh, phải thể hiện khoa học, nghệ thuật quân sự biết đánh, biết thắng của Bộ đội Cụ Hồ. “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị...”-70 năm, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho báo trước ngày ra mắt thật giản dị mà sâu sắc như chân lý đã và vẫn mãi soi sáng cho mọi ngọn bút nhà báo chiến sĩ. “Thật thiết thực, đúng đường lối chính trị” là những điều Đảng, quân đội và nhân dân yêu cầu trong hành trình dài cũng như trong từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể, là tránh bệnh hình thức, khoa trương, màu mè. Tờ báo phải và đã có tiếng nói kịp thời nhận diện âm mưu, thủ đoạn, sự can thiệp, cấu kết của các thế lực đế quốc Mỹ và thực dân Pháp ngay trong các số báo đầu tiên. Suốt dọc dài cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, không một tình huống chiến lược nào của kẻ xâm lược, dù tinh vi, quỷ quyệt đến đâu lại không được tờ báo nhận diện theo tầm nhìn của Đảng. Quân Mỹ sẽ đổ bộ, trực tiếp tham chiến. Không quân, hải quân của Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc. Mỹ sẽ đưa chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Máy bay B-52 sẽ ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng... Và trên mặt báo là câu trả lời từ quyết tâm, khí phách của quân đội và nhân dân ta: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một ly không dời”... Và lời Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bút thép đánh giặc, bút hoa để yêu thương, ngợi ca nhân dân và chiến sĩ. Thế hệ chúng tôi được kề vai, sánh bước cùng các thế hệ đi trước và thế hệ tiếp nối đến với các chiến trường rực lửa để phản ánh về những chiến công hiển hách, những tấm lòng và sự hy sinh vô bờ bến của chiến sĩ và nhân dân cả trong giai đoạn cuối của chiến tranh giải phóng dân tộc, và tiếp đến là các cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, biển, đảo và bầu trời Tổ quốc. Hạnh phúc thay, chúng tôi lại được cùng đồng nghiệp các báo bạn, các cộng tác viên viết về những năm tháng háo hức và sôi động của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ngòi bút, chiếc máy ảnh, chiếc camera trong tay, chúng tôi được thỏa sức trước những diễn biến như trong mơ, những chuyển động toàn diện và đặc sắc của cuộc sống lao động và dựng xây “một ngày bằng hai mươi năm” để mọi miền đất nước tươi xanh, rạng rỡ. Ngọn bút của những người làm báo Báo Quân đội nhân dân vừa nở hoa cùng đất nước, vừa bền chắc, đĩnh đạc khẳng định con đường Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn. Ngọn bút ấy, theo ý Đảng, lòng dân đã lên tiếng vạch mặt kịp thời những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Dù quặn đau trong lòng nhưng người cầm bút của Đảng, của dân vẫn thẳng thắn lên tiếng trước những biểu hiện của những con người hôm qua là đồng chí, đồng đội, nhưng nay đã dao động, thoái hóa, biến chất.

“Có cứng mới đứng đầu gió”, tờ báo chính trị hàng đầu phải luôn chắc tay bút. Điều “thật thiết thực” mà Đảng và nhân dân, chiến sĩ cần ở tờ báo trước hết luôn là vậy. “Thật thiết thực” là ngọn bút vững vàng, nhiệt thành trong cả “xây”“chống”; là chăm lo vun đắp để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” như Bác Hồ mong mỏi thiết tha.

Tâm nguyện của Người thấm trong mọi thế hệ người làm báo Báo Quân đội nhân dân để không ngừng tìm tòi, đổi mới tờ báo. Ai cũng tự nhìn lại mình, tự nhắc nhau về những bài viết có “cứng” và có “già” không. Thực sự là có, khi những bài báo còn những gì cũ cằn, khuôn sáo và chưa đủ sức thuyết phục. Là có, khi nói về cái mới, cái đẹp, cái điển hình chưa thật mới, chưa thật sinh động. “Tờ báo của chúng ta”, “Tờ báo tin cậy và yêu mến”, “Tờ báo tranh đấu và yêu thương”. Những tấm lòng của bạn đọc trông đợi và gửi gắm đến tờ báo sẽ mãi truyền lan trong mọi thế hệ người làm báo Báo Quân đội nhân dân để luôn nung rèn nên những ngọn bút thép-bút hoa.

Tùy bút của MẠNH HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/but-thep-but-hoa-640801