Bứt phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2010-2025, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn được tỉnh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Đặc biệt, với nhiệm kỳ 2020-2025, nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh ưu tiên số 1, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Tầm nhìn chiến lược sâu rộng

Giảng đường mới của Trường Đại học Hạ Long hiện đáp ứng nhu cầu học tập cùng lúc cho khoảng 2.500-3.000 sinh viên.

Giảng đường mới của Trường Đại học Hạ Long hiện đáp ứng nhu cầu học tập cùng lúc cho khoảng 2.500-3.000 sinh viên.

Tháng 9/2020, giảng đường trung tâm Trường Đại học Hạ Long (phường Nam Khê, TP Uông Bí) với kinh phí đầu tư 544 tỷ đồng, chính thức được đưa vào sử dụng. Với 7 phòng học lý thuyết; khu không gian văn hóa quốc tế (phục vụ 4 ngành học ngôn ngữ nước ngoài); hội trường thực hành biểu diễn và các phòng khối nghệ thuật; 2 tầng thư viện, trung tâm học liệu..., giảng đường mới có thể đáp ứng nhu cầu học tập cùng lúc cho khoảng 2.500-3.000 sinh viên.

Nhờ có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu một trường đại học đa cấp, đa ngành, cộng với chính sách thu hút đội ngũ giảng viên, sinh viên chất lượng cao, Đại học Hạ Long đã trở thành cơ sở đào tạo có uy tín, thu hút học sinh, sinh viên. Đáp lại sự quan tâm và kỳ vọng của tỉnh, riêng năm học 2020-2021, có khoảng 5.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường (gấp hơn 3 lần chỉ tiêu tuyển sinh); 100% sinh viên khóa I ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, trên 50% sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sau khi ra trường đã tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo; nhiều sinh viên được các doanh nghiệp “săn đón” ngay từ năm học thứ 3, thứ 4.

Lớp học về văn hóa Nhật Bản tại Đại học Hạ Long.

Chị Bùi Thị Duyên, Giám đốc Nhân sự, Công ty TNHH Du thuyền Việt, cho biết: "Công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch chất lượng cao, chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Do đó có những yêu cầu khắt khe về nhân lực, như trình độ ngoại ngữ tốt, nghiệp vụ tốt, tinh thần, thái độ làm việc trách nhiệm cao. Qua công tác tuyển dụng và ghi nhận cho thấy, sinh viên Đại học Hạ Long ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu và luôn có sự cầu thị trong công việc".

Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ được đầu tư xây dựng mới về cơ sở vật chất, chuyển đổi mô hình tổ chức.

Ngay từ rất sớm, Quảng Ninh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước đi đột phá đầu tiên của tỉnh phải kể đến là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 9/6/2014) về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (NQ15). Đây được coi như kim chỉ nam trong thu hút và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả NQ15, giai đoạn 2015-2020, ngân sách cho giáo dục và đào tạo luôn chiếm trên 30% ngân sách chi thường xuyên của tỉnh (gần 22.000 tỷ đồng). Đặc biệt, Quảng Ninh có riêng Đề án 293 cho đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tỉnh cũng tận dụng các nguồn lực khác, như Đề án 165 của trung ương về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” và huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Vai trò quyết định cho phát triển

Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện Đại học Công nghệ Auckland (NewZeaLand) chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tháng 2/2019.

Thống kê giai đoạn 2016-2020, có 140.000 lượt CB,CC,VC của tỉnh được cử tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng. Liên tục tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã giúp cho trình độ chuyên môn của đội ngũ CB,CC,VC được nâng lên rõ rệt: 73% có trình độ đại học trở lên (gần 21.000 người); 27% có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chuyên nghiệp (gần 8.000 người). Đặc biệt trong các lĩnh vực KHCN, y tế, giáo dục…, tỉnh đã hình thành và xây dựng được một đội ngũ cán bộ giỏi về trình độ, chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao.

Những giải pháp quyết liệt của tỉnh đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% năm 2015 lên 85% năm 2020, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương tốp đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tỉnh có sự chuyển đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng từ "nâu” sang “xanh” nhờ có sự định hướng đào tạo, chuyển dịch nhân lực từ lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản và khai khoáng sang khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như du lịch, chế biến và chế tạo...

Nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh vẫn xác định việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự quan tâm của các nhà đầu tư dành cho Quảng Ninh, dự kiến năm 2025 số lượng lao động cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh là trên 132.000 người. Trong đó, nhu cầu về lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 10.600 người, cao đẳng khoảng 7.600 người, trung cấp 7.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.400 người, lao động chưa qua đào tạo 99.000 người. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: "Các nhà đầu tư lớn hiện vẫn e ngại với việc thiếu nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nếu tỉnh có một chiến lược dài hơi cho lĩnh vực này, đảm bảo nhà đầu tư có nguồn nhân lực để hoạt động ổn định trong 20-30 năm, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có những bước đột phá hơn nữa".

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế xanh dựa trên KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao, là trung tâm du lịch quốc tế, là cực tăng trưởng của miền Bắc... Mục tiêu này đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục thực hiện hiệu quả khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh.

Giải bài toán này, tại kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khóa XIII (tháng 12/2020), HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT), xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Đề án sẽ tiến hành phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh để chỉ ra những bất cập và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chất lượng nhân lực của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển. Trên cơ sở đó, Đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; bao gồm cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...

Với những bước đi chiến lược cho thấy, nguồn nhân lực vẫn là ưu tiên hàng đầu, đang được tỉnh triển khai một cách bài bản theo hướng vừa đào tạo và bồi dưỡng, vừa thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ đội ngũ CB,CC,VC đến lực lượng lao động tiếp tục là một trong những yếu tố quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành địa bàn phát triển năng động, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/but-pha-tu-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-2521230/