Bứt phá trên nền tảng kỹ thuật số

Năm 2019 khép lại với bức tranh rất sáng màu, nền kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục, đạt những con số cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, con đường trở thành 'con hổ châu Á' sẽ không bằng phẳng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: Quang Hiếu

“Năm tới phải đổi mới mạnh mẽ hơn” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc trong các cuộc họp tổng kết cuối năm tại các bộ, ngành, địa phương, với tinh thần tiếp tục tăng tốc, đặc biệt phải tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Gấp rút cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2019, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện điểm số. Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 4 bậc (từ vị trí 67 lên vị trí 63). Trong 4 năm qua, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục tăng, có những chỉ số tăng vọt về vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu, nhưng các nỗ lực cải cách vẫn “trồi sụt” ở các lĩnh vực khác nhau. Hệ quả là dù Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách, nhưng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều dù điểm số có tăng.

Các DN thành viên AmCham cần nhiều hơn những nỗ lực cải cách nhằm tạo môi trường cạnh tranh và công bằng hơn, các quyết định cần được ban hành kịp thời, các thủ tục bớt rườm rà hơn. Cùng đó, các DN cạnh tranh bằng chính giá trị của mình, bao gồm cả khả năng tiếp cận đất đai và những cơ hội khác.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Michael Kelly

Chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách, nhưng cách thực thi khác nhau. Mặc dù số DN thành lập mới trong năm 2019 tăng khá mạnh so với năm trước, song nhìn vào số DN tuyên bố ngừng hoạt động, rời thương trường cũng không phải là con số nhỏ. Niềm tin của DN vào hệ thống tư pháp còn thấp. Cải cách tư pháp ở địa phương còn diễn ra chậm chạp. Đặc biệt là khâu cắt giảm thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đạt đầy đủ muc tiêu như Chính phủ đã đề ra.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển nhanh chóng…, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Việt Nam không quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh thì sẽ không thể nắm bắt được cơ hội phát triển, thách thức và khó khăn sẽ vô vàn. Trước yêu cầu của thực tiễn, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa ở các lĩnh vực, phải tránh tình trạng “ta cải thiện so với ta” nhưng tụt lại so với thế giới.

Quản trị thông minh, hiện đại hóa nền hành chính

Ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, kênh giao tiếp giữa người dân, DN và cơ quan Nhà nước trên môi trường điện tử. Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong thực hiện dịch vụ công. Cổng dịch vụ ra đời là dấu mốc quan trọng trong mục tiêu Chính phủ “lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ”, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử một cách mạnh mẽ, thực chất hơn để “trên đã nóng, dưới cũng phải nóng”.

Việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ T.Ư đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ T.Ư đến địa phương. “Tinh thần công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử không những tiết kiệm thời gian mà còn chống được cửa quyền, hách dịch, ngăn chặn tham nhũng vặt, tạo được môi trường đầu tư tốt” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại lễ khai trương, nhiều người dân, đại diện DN được mời trải nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia rất bất ngờ khi chỉ trong chưa đầy 5 phút đã thao tác, giải quyết xong thủ tục hành chính.

Không dừng ở chỉ số, xếp hạng

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021. Nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng năm 2020 là tập trung tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể về thể chế để khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực. Yêu cầu “năm tới phải đổi mới mạnh mẽ hơn” được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều các cuộc họp tổng kết của các bộ, ngành, địa phương cuối năm.

Một trong những giải pháp chính sách là liên tục từ năm 2014 tới nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về cải cách thể chế và chính sách kinh tế. Cũng giống như mọi năm, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm 2020, với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam lọt nhóm 4 quốc gia phát triển nhất trong khối ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 02 không chỉ nâng cao các chỉ số, xếp hạng liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực mà phải tiếp tục lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Phương châm hành động cho năm 2020 phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện, tập trung vào một số việc rất cụ thể và xử lý thiết thực, chỉ ra được những điểm bắt buộc phải sửa để có môi trường hấp dẫn, cạnh tranh hơn. Phấn đấu ở mức cao với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hành động và hành động hơn nữa phục vụ người dân. Cái gì có lợi cho người dân và DN cần thực hiện ngay, như thúc đẩy kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi cho DN, sửa các rào cản về pháp luật, thủ tục hành chính cũng như cách hành xử của công chức, viên chức trong bộ máy. Chính sách này sẽ góp phần tạo nên GDP ở mức cao ngay cả trong điều kiện khó khăn từ trong và ngoài nước.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/but-pha-tren-nen-tang-ky-thuat-so-363117.html