Bút lực của bút trẻ làm khởi sắc văn hóa đọc

Mới đây, Vanness Uyên, một hot Facebooker trong lĩnh vực ẩm thực vừa ra mắt tác phẩm đầu tay của mình. Sẽ không có gì đáng để tâm nếu quyển tự truyện mang cái tựa đề khá 'ngôn tình' Bội tình không phải là một tự truyện được viết bằng… thơ. Là một câu chuyện đời, nhưng thay vì những dòng bộc bạch, nữ tác giả trẻ đã dùng những vần thơ để kể chuyện.

Cuốn sách Tôi cần một cái khuôn khác méo mó cũng được của Lê Bùi Thảo Nguyên

Chính vì thế, các bài thơ trong quyển sách hoàn toàn không phải là những bài thơ riêng lẻ mà nằm trong một mạch truyện xuyên suốt quyển tự truyện. Nói là xuất sắc thì chưa thể, nhưng cách thức mới mẻ của quyển sách đã đem đến một trải nghiệm thú vị cho người đọc.

Không nói về tình yêu, không dùng thơ hay một hình thức lạ để diễn đạt, cô gái trẻ Lê Bùi Thảo Nguyên vẫn khiến độc giả thích thú với quyển sách đầu tay của mình: Tôi cần một cái khuôn khác méo mó cũng được. Ngay từ ở tựa đề, quyển sách đã cho thấy cái mà Lê Bùi Thảo Nguyên muốn hướng tới. Đó là sự vượt ra khỏi khuôn khổ đã định sẵn để sống một cuộc đời khác thực sự cho mình.

Đây cũng chính là trăn trở của rất nhiều người trẻ hiện nay. Ở quyển sách kể chuyện mình của Lê Bùi Thảo Nguyên, một cô gái làm việc trong ngành y không chỉ có những câu chuyện về nghề y với cái nhìn của một người trẻ, không chỉ là câu chuyện về những chặng đường phiêu lưu của một cô gái nhỏ, mà còn là chuyện lòng, chuyện của sự hoang mang lạc lối, của những nỗi đau và sự đối diện với thực tế mà mỗi người trẻ đều có thể bắt gặp ở chính bản thân mình.

Phi Tuyết, một tác giả 9X lại làm cho độc giả bất ngờ khi đem đến một câu chuyện có vẻ hơn sức “lớn” so với lứa tuổi của mình: Tại sao chúng ta không hạnh phúc? Sách gồm 325 trang với 5 chương chính: Câu chuyện vũ trụ học, Câu chuyện lịch sử loài người, Cách mạng nông nghiệp - Công nghiệp - Công nghệ, Chủ nghĩa tiêu dùng và Câu chuyện giáo dục… là một hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta không hạnh phúc nêu ra ở tựa sách.

Đó là những câu chuyện kể từ các sự kiện lịch sử, dữ kiện về khoa học thường thức, môi trường… không chỉ gói gọn ở Việt Nam. Quyển sách là một thể loại khá độc đáo và đem đến cho người đọc nhiều kiến thức hay qua cách nhìn nhận mới lạ của một cây bút trẻ.

Đó chỉ là một lát cắt trong câu chuyện làm sách ngày càng đa dạng, mới lạ. Thị trường sách những năm gần đây không ít lần các tác giả trẻ mở ra cho văn chương nhiều thể loại mới như thế, nhưng tự truyện, du kí, tiểu thuyết với cách trình bày và kể chuyện độc đáo khiến độc giả không nhàm chán. Văn chương đương đại cần những người trẻ, chịu bứt phá, chịu đem đến những điều mới mẻ như thế.

Trân Trân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thu-choi/but-luc-cua-but-tre-lam-khoi-sac-van-hoa-doc-414710.html