Buông chèo vì vợ vi phạm pháp luật

Ngày Quốc khánh 2-9, Thuyền trưởng Nguyễn Mỹ, ở làng chài Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đang bám biển đánh cá ngoài khơi xa. Chưa hết phiên, nhưng con tàu QNg 94636 TS phải vội vã trở về vì ông Mỹ nhận được tin vợ đang bị tạm giữ hình sự. Đó là một trong nhiều câu chuyện buồn của người dân làng chài Sa Huỳnh, sau 3 lần đối thoại với chính quyền địa phương về việc di dời Nhà máy xử lý rác MD (Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD) ra khỏi địa bàn xã Phổ Thạnh.

Đống rác thải chưa qua xử lý có nguy cơ ô nhiễm bên cạnh Nhà máy xử lý rác MD. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngày 22-8, giữa làng chài Sa Huỳnh có tiếng hô thất thanh: “Xã hội đen vô bảo vệ công ty rác”. Tiếng la đó như “luồng điện” được truyền dẫn đi rất nhanh. Thôn Thạch Bi 1, 2 và thôn La Vân có nhà cửa đông đúc như một bàn cờ, nhiều lối đi chỉ vừa một làn xe. Khi thông tin này phát ra, nhiều gương mặt đang hoang mang mất định hướng lập tức biến sắc. Sự thật đến đâu thì nhiều người không cần biết, không cần hỏi lại, cứ đua nhau truyền miệng, gân cả cổ: “Xã hội đen vô công ty rác!”...

Chợ Sa Huỳnh và khu vực bến cá ở làng chài Sa Huỳnh giống như 2 chiếc bao tử, chỉ cần thêm chút men là co bóp mạnh. Khi tin đồn trên được loang ra thì những người đàn bà ở khu vực này phản ứng rất nhanh. Họ bỏ chợ, bỏ gánh cá, ùn ùn kéo lên quốc lộ, khu vực ngã 3 dẫn lên Nhà máy xử lý rác MD để chặn đường. Trong buổi chiều hôm đó, cả đoàn người tất tả chạy lên trước cổng nhà máy. Con đường lên núi không một bóng cây. Một cơn mưa bất thần đổ xuống khiến mọi người ướt nhẹp.

Đêm 2-9, màn lừa bịp trên tiếp tục được lặp lại. Đám đông người dân tổ chức văn nghệ tại khu vực ngã 3 dẫn lên nhà máy xử lý rác. Khi đám đông đang khí thế bừng bừng thì một số đối tượng xấu tiếp tục biến những người phụ nữ tội nghiệp thành trò đùa và đẩy họ vào vòng pháp luật, khi phao tin “Nhà máy xử lý rác MD bị chính quyền bắt ngừng hoạt động, nhưng lại đang chạy trở lại”. Thế là những người đàn bà lăn đá, trải chiếu, chặn Quốc lộ 1A.

Đoàn thanh tra ngày hôm sau đã vào chụp ảnh hiện trường và cho biết, thực tế công ty không hoạt động. Nhưng, nếu giả sử công ty này có hoạt động đi chăng nữa thì cũng chỉ là để xử lý đống rác thối 22.500m3 của người dân địa phương bị dồn ứ tại đây. Trong đêm 2, rạng ngày 3-9, lực lượng Cảnh sát cơ động đã vào dẹp bỏ chướng ngại vật trước đống rác này gồm đá, cây, gậy trên Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, người dân đã ngăn cản và kháng cự lại bằng cơn mưa gạch, đá. Công an đã bắt 24 người, sàng lọc và tạm giữ 9 người, trong đó có bà Nguyễn Thị Liền, vợ Thuyền trưởng Nguyễn Mỹ.

Sáng ngày 4-9, dù thông tin “bà con bị lừa” đã được truyền thông và nhiều người phát đi, nhưng người dân vẫn không dừng lại, mà tiếp tục đẩy sự việc lên cao hơn. Hàng trăm người dân chặn cổng UBND xã Phổ Thạnh. Phóng viên Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh và Báo Biên phòng có mặt tại hiện trường bị họ đến kiểm tra giấy tờ, lục túi xách. Một đối tượng nhanh nhảu bày bán dùi cui, áo giáp ngay bên lề đường để “đổ dầu vào lửa”...

Nhiều ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi phải vội vã quay về bờ vì nghe tin vợ con đã vào vòng lao lý, tấn công cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Lê Văn Chương

Vào giờ phút đó, tại chợ Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, một người đàn bà nén nỗi đau, ngồi lẳng lặng trước rổ cá. Đó là chị Đào Thị Lan, vợ anh Nguyễn Phụ, Công an viên thôn Long Thạnh 1. Sáng ngày 3-9, tại chợ Sa Huỳnh, nhiều người đã xúm vào bóp cổ, đánh đập chị sưng mặt, vì cho rằng “chồng mày gọi 113 vào bắt người”. Chị Lan lo ngại thông tin này công bố trên báo chí sẽ bị trả thù. Nhưng phóng viên phân tích cho chị biết, đây là hành vi phải bị lên án và chị sẽ được pháp luật bảo vệ.

Câu chuyện rác thải như vệt dầu loang, làm sự việc ngày càng thêm nghiêm trọng. Người dân địa phương liên tục bắt người lạ phải xuất trình giấy tờ. Ông Thanh, một người dân ở thôn Thạnh Đức 1 cho biết: “Tôi ít xuống Sa Huỳnh nên hơi lạ mặt. Vì vậy, vừa đi ngang qua thì bị họ xúm vô bắt rồi hỏi ông ở đâu tới, tại sao lại đến đây?”. Ông Thanh thốt lên rằng, chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng đến mức như vậy!

Nếu chỉ đọc qua những thông tin trên thì thấy người dân Sa Huỳnh quá hung dữ. Nhưng sự dữ dằn đó chỉ là “lớp sương mù” bao phủ bề ngoài khi họ chưa hiểu hết sự việc. Một số người tham gia chẳng qua vì sợ cộng đồng cô lập, do không ủng hộ ý kiến của số đông mà ủng hộ nhà máy xử lý rác thải... Khi phóng viên kiên nhẫn tiếp cận người dân, cương quyết phản đối những đòi hỏi không đúng, bà con lập tức lấy nước uống ra mời bằng 2 tay và năn nỉ “thông cảm giúp chúng tôi”.

Nhà máy xử lý rác MD đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Từ ngày 29-7, người dân địa phương đã dựng trại, đặt quan tài, rải đá chặn xe chở rác lên nhà máy. Họ phản đối vì cho rằng: Nhà máy xây dựng cách khu dân cư dưới 500m gây ô nhiễm môi trường; chính quyền địa phương không lấy ý kiến nhân dân trước khi xây dựng nhà máy; nhà máy nằm ở vị trí cao sẽ ảnh hưởng nguồn nước ngầm sinh hoạt...

Trong khi Nhà máy xử lý rác MD hoạt động, đã nhiều lần người dân xã Phổ Thạnh tỏ thái độ phản đối, yêu cầu chính quyền địa phương di dời nhà máy ra khỏi địa bàn vì cho rằng ô nhiễm đến cuộc sống của họ. Sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Lãnh đạo tỉnh, huyện cũng đã 3 lần đối thoại, đề nghị người dân để nhà máy xử lý 22.500m3 rác của chính người dân thải từ nhiều năm trước. Nhưng bà con vẫn đòi nhà máy phải chuyển đi ngay tức khắc, còn rác tồn đọng để người dân tự xử lý.

Khảo sát sơ bộ tại địa bàn, chúng tôi thấy, thực tế, người dân vẫn chỉ nghe theo tin đồn. Truyền thông đưa thông tin chính thống để định hướng, giải thích; nhưng người dân chỉ nghe theo thông tin phát tán với giọng điệu, nội dung kích động. Thấy người lạ mặt xuất hiện, người dân lập tức kéo đến chụp ảnh, đánh dấu, lan truyền và thông báo là công an...

Chính quyền và cán bộ BĐBP mới tranh thủ những người có uy tín tại địa phương để tham gia giải thích cho người dân. Nhưng có lẽ, cần phải tranh thủ cả những người có uy tín trên mạng xã hội, đó là luật sư, sinh viên ở địa phương đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Người dân hiện nghe theo các trang cá nhân này. Nhưng để tương tác được với những người có uy tín trên mạng xã hội thì facebook cá nhân của cán bộ phải có lịch sử bài viết tốt, có hình ảnh, thông tin, địa chỉ rõ ràng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/buong-cheo-vi-vo-vi-pham-phap-luat/