Buồn vui nghề làm móng dạo

Không chỉ các hiệu làm móng chân, tay (nail) phát triển mạnh, còn có những 'hiệu' nail dạo đang len lỏi khắp các phố phường Hà Nội...

Trên các phố Lò Đúc, Trần Quý Cáp, Hàng Ngang, Hàng Đào... hay chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Ngô Sĩ Liên... không khó gì để thấy nhiều chị em xách giỏ làm nghề này. Người ta sửa, cắt, sơn móng, vẽ móng cho khách ngay ở những quán nước vỉa hè hay trong các kiot vắng khách giữa chợ.

Chị Thơm, người Hưng Yên cho biết: “Quê em nhiều người lên Hà Nội làm nghề này lắm! Ngày trước em làm hương, rồi được một người trong họ dạy nghề cho. Vào nghề này cũng dễ, kiếm ăn cũng được nên mới nhiều người làm như vậy. Chỉ cần một tháng học nghề với hơn triệu làm vốn là làm được thôi”.

Nhìn chị Thơm cầm kìm bấm da chết ở móng tay, chân cho khách, không ai nghĩ đây là người mới qua một tháng học việc. Trong 15 phút, với một bát nước lã, chiếc kìm bấm, vài lọ sơn và chiếc bút lông, chị đã làm hài lòng cô khách hàng là chủ tiệm vải trong chợ Đồng Xuân với đủ họa tiết bắt mắt trên các móng tay, móng chân.

“Mình bán hàng ngoài chợ cả ngày, chẳng có thời gian ra hiệu, tranh thủ lúc nào vắng khách, gọi điện là người ta đến tận nơi, lại không mất thời gian chờ đợi nữa. Họ làm cũng chất lượng, 20 ngày mới phải sửa lại một lần”, chị Quỳnh Hoa, bán hàng trong chợ Đồng Xuân, vừa sửa móng vừa nói.

Theo ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Sở Y tế Hà Nội, người làm móng chân, tay hoặc lấy ráy tai, cạo râu có thể bị lây nhiễm các bệnh qua đường máu hoặc nhiễm trùng nếu không dùng các loại dụng cụ vô trùng, trong đó, đặc biệt đáng lưu tâm là có thể lây nhiễm HIV/AIDS cũng như các bệnh nhiễm trùng khác. Nếu có điều kiện, mỗi người nên có một bộ dụng cụ dùng riêng.

Liên Châu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người làm móng đều ở ngoại tỉnh.

Chị Bảy, quê Phú Thọ chia sẻ: “Em trọ ở bãi Phúc Tân. Ở đấy có nhiều chị em cũng trọ như em làm nghề này lắm. Họ đến từ khắp nơi, nhưng chủ yếu là mạn Hưng Yên, Hải Dương. Hầu hết đều không có tiền thuê cửa hàng nên mới phải vất vả đi đánh móng dạo như vậy”.

Giá cả của loại hình dịch vụ này cũng tương đối hợp lý, với sửa móng 10.000 đồng, sơn móng 15.000 đồng và vẽ móng cũng chỉ 20.000 đồng.

“Khách hàng chủ yếu của bọn em là những người bán hàng ở chợ, người dân ở những khu vực không có hiệu nail, họ ngại đi xa hoặc những người không thích ra hiệu mà muốn gọi thợ về nhà làm” - chị Hạnh, quê Hải Dương, một người khá lâu năm trong nghề cho biết thêm.

Chị Hạnh còn bật mí: “Làm lâu trong nghề này, quen khách thì cũng kiếm được. Trung bình mỗi ngày cũng được khoảng chục khách, người sửa, người sơn, người vẽ móng. Như dịp Tết vừa rồi thì làm chẳng hết việc. Khách gọi nhiều quá nhưng chỉ dám nhận lời làm cho khách quen để giữ mối”.

Tuy nhiên, công việc này cũng không phải toàn “cỏ thơm” như nhiều người nghĩ. “Em tính cũng chỉ làm công việc này tầm vài năm nữa thôi rồi cũng nghỉ. Khách hàng lâu lâu mới làm thì không sao chứ bọn em ngày nào cũng làm, vừa tiếp xúc vừa phải ngửi mùi hóa chất cả chục lần thì cũng hại lắm!”, chị Thơm tâm sự.

Được hỏi về vấn đề lây nhiễm HIV chẳng may có thể xảy ra trong quá trình làm việc, chị Thơm chỉ cười xòa: “Em làm cho khách quen là nhiều nhưng có thấy ai phàn nàn gì về vấn đề này đâu. Sau mỗi khách, em đều lấy cồn lau sạch kìm bấm. Chứ còn về chuyện nhiễm HIV từ làm móng thì cũng khó biết lắm. Mà nếu có thì cả những hiệu nail cũng có chứ chẳng riêng gì bọn em”.

Ngọc Bích

Nguồn VOV: http://thanhnien.vn/doi-song/buon-vui-nghe-lam-mong-dao-405904.html