Buồn vui của nông dân Mỹ trước thỏa thuận thương chiến

Nông dân Mỹ hài lòng khi Washington và Bắc Kinh nhất trí đình chiến thương mại nhưng họ chưa thể vui mừng cho đến lúc nhìn thấy các tàu hàng chở đầy đậu tương hướng đến Trung Quốc.

Cảnh thu hoạch đậu tương trên một cánh đồng ở bang Illinois, Mỹ, hồi tháng 9. (Ảnh: The Inquirer)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12 đã nhất trí tạm dừng cuộc chiến thương mại đã khiến hàng trăm tỷ USD hàng hóa của hai nước bị áp thuế. Giai đoạn đình chiến dài 90 ngày, tính từ ngày 1/12, theo Nhà Trắng. Trong thời gian này, hai nước sẽ đàm phán để thiết lập một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Đây được coi là chiến thắng cho cả Mỹ và Trung Quốc. Ông Tập trì hoãn thành công các hành vi thù địch thương mại nhằm vào nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc. Trong khi đó, ông Trump nhận được cam kết từ Trung Quốc tăng mua các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có đậu tương, công nghiệp và năng lượng của Mỹ để giảm chênh lệch thương mại song phương. Ông Trump sau đó còn viết trên Twitter cá nhân rằng nông dân Mỹ sẽ là bên hưởng lợi “rất lớn và rất nhanh”.

Tuy nhiên, nông dân Mỹ vẫn chưa thể thực sự vui mừng trước tiến triển này. “Tóm lại, nội dung chi tiết là gì?”, Sharon Covert, đồng sở hữu một trang trại ở bang Illinois trồng hơn 200 hecta đậu tương, nói với The Inquirer. Cô thuộc nhóm những người giữ quan điểm chờ xem diễn biến tiếp theo trong thời gian đình chiến.

David Rodibaugh, nông dân trồng đậu tương tại Rensselaer, bang Indiana, vui mừng khi nghe tin thỏa thuận nhưng “chưa thể tin” cho đến khi ông thấy có doanh thu thực sự. Ông cùng hàng chục nông dân khác ở Mỹ đã vứt bỏ nhiều giạ đậu tương hơn bình thường để chờ chiến tranh thương mại kết thúc và bán với giá cao hơn.

Nông dân trồng đậu tương ở miền trung tây Mỹ chịu ảnh hưởng đáng kể sau khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Ngoài đáp trả thuế lẫn nhau, Trung Quốc còn dừng mua đậu tương từ Mỹ và chọn bên cung cấp mới là Argentina, Brazil. Giá đậu tương Mỹ nhanh chóng lao dốc vào thời điểm nông dân Mỹ thu hoạch sản lượng cao kỷ lục.

“Tôi muốn thấy các tàu chở đậu tương Mỹ hướng đến Trung Quốc để chung tôi tránh mất thị phần”, Rodibaugh chia sẻ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue ngày 3/12 kỳ vọng Trung Quốc sẽ nối lại hoạt động mua nông sản từ ngày 1/1, bắt đầu với đậu tương. Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi chính thức và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh nới lỏng thuế suất đáp trả 25% lên đậu tương Mỹ nhập khẩu. “Tôi thấy vẫn có ít sự khuyến khích các công ty Trung Quốc mua đậu tương Mỹ, trừ khi thuế 25% được dỡ bỏ hoặc nông dân Mỹ hạ giá bán hơn nữa”, theo Monica, nhà phân tích tại Shanghai JC Intelligence. Những đơn hàng thực hiện trong điều kiện hiện tại khả năng cao là để đưa vào kho dự trữ quốc gia.

Trung Quốc từng phát tín hiệu hoàn thuế 25% nếu đậu tương được nhập khẩu vì mục đích dự trữ quốc gia, các nguồn thạo tin tiết lộ.

Matt Gast, nông dân bang North Dakota trồng hàng trăm hecta ngô và đậu tương gần Valley City, đang lưu kho khoảng 60% sản lượng đậu tương thu hoạch trong năm nay do giá bán giảm. Con số này trong năm ngoái chỉ là 10 – 15%.

Cargill, công ty Mỹ chuyên về các sản phẩm nông nghiệp, nhận định Mỹ đã để lỡ mùa bán đậu tương cho Trung Quốc.

Trung Quốc thường mua nhiều đậu tương từ Mỹ vào khoảng tháng 9 – tháng 12 rồi chuyển sang mua từ khu vực Nam Mỹ trong tháng 1 – tháng 2, theo Dave Baudler, giám đốc quản lý hạt khu vực Bắc Mỹ của Cargill, nói.

Hồi tháng 9, khi nông dân Mỹ bắt đầu thu hoạch sớm, giá đậu tương tương lai giảm còn 8,12 USD/giạ, thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Tại nhiều khu vực, như North Dakota, giá đậu tương còn tệ hơn, dưới 8 USD/giạ bởi Trung Quốc dừng mua.

Sau khi thỏa thuận đình chiến được công bố, giá đậu tương tương lai hôm 2/12 trên sàn Chicago đã tăng tới 3,2% lên 9,23 USD/giạ, cao nhất kể từ tháng 6. Daryl Cates, nông dân trồng đậu tương bang Illinois đã tranh thủ bán một phần sản lượng. Tuy nhiên, ông lo lắng về tình hình năm 2019 hơn nếu thuế vẫn còn đó. “Chúng tôi khuyến khích Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập cùng hành động để giảm hàng rào thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Hiệp hội Tiêu dùng Công nghệ, một nhóm thương mại ở Mỹ phản đối thuế, cho biết.

Trong khi đó, John Ross, nghiên cứu tại Viện Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Mỹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng. “Không nhất thiết phải là thỏa thuận đình chiến, đây chỉ là hai phía cùng đàm phán”, Ross nói trên Radio Sputnik. “Tôi nghĩ Mỹ đã có những tính toán sai lầm, Mỹ không có đủ thông tin về Trung Quốc… không có ai ở Mỹ có chuyên môn về Trung Quốc. Nông dân Mỹ sẽ không được hưởng lợi”.

Theo Ross, nông dân Mỹ mới chỉ được cứu khỏi đống hỗn độn do chiến tranh thương mại gây ra. Giá đậu tương giảm mạnh, bên chịu tác động tiêu cực là nông dân Mỹ.

Giới phân tích Mỹ cũng chỉ lạc quan thận trọng với lý do các biện pháp thuế vẫn còn đó. Thỏa thuận đình chiến chỉ là Mỹ không tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 1/1 và thiết lập khung thời gian đàm phán 90 ngày. Nếu đàm phán không mang lại kết quả, thuế 25% sẽ có hiệu lực.

Chính Tổng thống Trump cũng khẳng định điều này. Trong ngày 4/12, ông đã hai lần dọa tái sử dụng biện pháp thuế với hàng hóa Trung Quốc nếu Washington không thể đạt một thỏa thuận thương mại có hiệu quả với Bắc Kinh.

VĂN VIỆT

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/buon-vui-cua-nong-dan-my-truoc-thoa-thuan-thuong-chien-post232319.html