Buồn vì lấy nhau 3 năm, chồng chưa lần nào gọi điện về hỏi thăm bố mẹ vợ

Thảo cảm thấy rất buồn. Từ hồi cưới nhau đến giờ, chồng cô chưa bao giờ gọi điện hỏi thăm bố mẹ đẻ của cô lấy một câu nào. Giỗ ông, bà nội ngoại hay cưới xin anh em họ hàng của Thảo, anh toàn lấy lý do bận công việc để một mình cô phải về quê.

Thảo (Thuận Thành, Bắc Ninh) lấy Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) khi đã 29 tuổi sau vài mối tình không "đến nơi đến chốn". Vì tuổi trẻ tham vọng, Thảo cố gắng hoàn thành xong bằng thạc sĩ và được giữ lại ở trường làm giảng viên.

Huy hơn Thảo 4 tuổi, làm trợ lý giám đốc cho một công ty xây dựng, lương cũng được hơn 30 triệu. Cuộc sống của hai vợ chồng Thảo với cô con gái nhỏ khá thoải mái bởi nhà cửa, sự nghiệp của hai tương đối vững vàng, không bị áp lực nhiều về cơm áo gạo tiền.

Bố mẹ chồng Thảo đều là nhà giáo, ông bà được nhiều người nhận xét là ăn nói nhẹ nhàng, có hiểu biết.

Thảo về làm dâu, ở chung nhà với bố mẹ chồng cũng không có gì xung đột. Hàng tháng, hai vợ chồng cô đóng góp cho ông bà 5 triệu tiền ăn và 2 triệu tiền điện nước. Con gái Thảo được ông bà chăm nom cẩn thận nên cô dự định con 2 tuổi sẽ cho đi nhà trẻ.

Cuộc sống của vợ chồng Thảo khá hạnh phúc thời gian đầu nhưng thời gian gần đây Thảo nhận thấy nhiều bất ổn. Từ khi lấy nhau đến giờ, Huy chưa một lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố mẹ vợ ngay cả lúc ông bà ốm đau.

Thảo không nhớ đã bao lần góp ý với Huy về việc anh nên gọi điện hỏi thăm bố mẹ cô khi ông bà ốm đau, nhà có giỗ nhưng anh nghe rồi để đấy. Ảnh minh họa

Thảo không nhớ đã bao lần góp ý với Huy về việc anh nên gọi điện hỏi thăm bố mẹ cô khi ông bà ốm đau, nhà có giỗ nhưng anh nghe rồi để đấy. Ảnh minh họa

Điều Thảo buồn hơn nữa là, kể từ ngày Thảo bước chân về nhà chồng đã gần 3 năm nay, bố mẹ cô chỉ có một dịp được đến nhà thăm cháu mặc dù rất muốn đến nhiều hơn. Bởi lẽ, Thảo đọc được suy nghĩ của bố mẹ cô khi quan sát thái độ dửng dưng, không hào hứng chào đón thông gia khi thấy bộ dạng có phần lôi thôi, lếch thếch, không quần là áo lượt của bố mẹ cô. Mỗi dịp giỗ ông bà, nội ngoại của Thảo, Huy toàn lấy lý do bận công việc để một mình vợ phải về quê, trong khi từ nhà chồng về đến nhà mẹ đẻ Thảo chỉ có hơn 40 km.

Do làm giảng viên, thu nhập của Thảo chỉ được bằng 1/3 chồng. Mỗi tháng chi tiêu các khoản đi rồi, vợ chồng cô cũng tích lũy được gần một nửa. Tuy nhiên, gần đây anh hay than phiền không biết bao giờ mới giàu, sắm được xe hơi. Anh còn so sánh nhà anh bạn này, anh bạn kia được bố mẹ vợ hỗ trợ cả tỉ mua xe, mua nhà.

Những lời nói này của Huy khiến Thảo buồn vô cùng. Bố mẹ Thảo ở quê, nuôi cô và ba em ăn học đại học đã là cả một kỳ tích. Ngày biết Thảo có quyết định làm giảng viên, bố mẹ cô mừng vui và tự hào khôn xiết vì cả họ mới có người được vậy.

Thâm tâm Thảo luôn day dứt với bố mẹ bởi cô chưa báo đáp được gì mà đã đi lấy chồng. Từ ngày lấy chồng, Thảo cũng chẳng giúp được gì cho bố mẹ. Dịp Tết, biếu ông bà được 5 triệu thì bố mẹ cô lại mùng tuổi lại hết cho vợ chồng và con gái Thảo.

Đấy là chưa kể, cứ đến Tết, năm nào về quê ngoại, Huy cũng có vẻ miễn cưỡng và chỉ ở đến ngày thứ hai là bảo vợ lên Hà Nội. Huy nói rằng anh quen sống sạch sẽ, gọn gàng và tiện nghi rồi, giờ về quê vợ, không có điều kiện nên khó thoải mái được. Bữa cơm mẹ Thảo nấu anh ăn không nói gì nhưng cô biết anh ăn cho phải phép bởi không hợp khẩu vị và không yên tâm khâu vệ sinh chế biến.

Nhiều lúc Thảo nghĩ cô đã sai lầm khi lấy chồng Hà Nội. Thảo không nhớ đã bao lần góp ý với Huy về việc anh nên gọi điện hỏi thăm bố mẹ cô khi ông bà ốm đau, nhà có giỗ nhưng anh nghe rồi để đấy. Huy cũng chưa một lần chính thức mời bố mẹ vợ ra chơi. Điều đó càng làm khoảng cách vợ chồng Thảo ngày càng xa hơn.

Châu Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/buon-vi-lay-nhau-3-nam-chong-chua-lan-nao-goi-dien-ve-hoi-tham-bo-me-vo-20190813151643131.htm