Buôn tài không bằng dài vốn ở GTNFoods

Ngày 4-6-2019, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố đã mua 90 triệu cổ phiếu GTNFoods trong tổng số gần 117 triệu cổ phiếu chào mua. Với giá 13.000 đồng/cổ phiếu, Vinamilk đã chi ra khoảng 1.170 tỉ đồng cho thương vụ này. Vinamilk hiện sở hữu 38,34% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của GTNFoods.

 Vinamilk công bố đã mua 90 triệu cổ phiếu GTNFoods trong tổng số gần 117 triệu cổ phiếu chào mua.

Vinamilk công bố đã mua 90 triệu cổ phiếu GTNFoods trong tổng số gần 117 triệu cổ phiếu chào mua.

Hai tổ chức ngoại là Tael Two Partners và PENM IV Germany GmbH&Co.KG đã bán thỏa thuận cho Vinamilk tổng cộng 28% cổ phần GTNFoods, số còn lại mua được đều do nhận chuyển nhượng của nước ngoài thông qua vai trò của Công ty Chứng khoán HSC. Vì sao khối ngoại lại sẵn lòng chia tay GTNFoods đến thế thì chắc chỉ người trong cuộc mới hiểu được.

Tuy nhiên, Hội đồng quản trị GTNFoods đã có những động thái nhằm ngăn sự “thâu tóm” của Vinamilk. Ngày 23-3-2019, Hội đồng quản trị GTNFoods thông báo không đồng ý với đề nghị chào mua công khai của Vinamilk. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức chấp thuận đề nghị chào mua của Vinamilk, ngày 27-3-2019 Hội đồng quản trị GTNFoods liên tiếp ban hành các nghị quyết thành lập các công ty con, cụ thể:

1. Thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác tài sản GTNFoods với vốn điều lệ 500 tỉ đồng trong đó GTNFoods góp 99,98% bằng tiền mặt;

2. Phê duyệt phương án tái cấu trúc Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNFoods thành công ty cổ phần để đối tác chiến lược tham gia và tăng vốn điều lệ lên 200 tỉ đồng. Ngày 23-5-2019 một nghị quyết khác của Hội đồng quản trị GTNFoods công bố việc thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp GTN vốn điều lệ 400 tỉ đồng, đồng thời cho phép công ty mẹ GTNFoods cho các công ty con vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của GTNFoods, đến cuối năm ngoái công ty có hơn 1.100 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Nhiều khả năng số tiền này đã được sử dụng để thành lập các công ty con, vì nếu không thì công ty mẹ sẽ phải đi vay. Điều này sẽ trở nên rõ ràng khi GTNFoods công bố báo cáo tài chính bán niên 2019 trong những tháng tới.

Động thái quyết liệt hơn cả là GTNFoods đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, bãi nhiệm hai thành viên hội đồng quản trị và một thành viên ban kiểm soát. Thế nhưng nghị quyết đại hội đồng cổ đông đã không đồng ý bãi nhiệm hai thành viên hội đồng quản trị cũng như thành viên ban kiểm soát, mà chỉ đồng ý sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty.

Theo điều lệ mới, số lượng thành viên Hội đồng quản trị GTNFoods giảm xuống năm người từ bảy người; một số vấn đề khi lấy ý kiến cổ đông tại đại hội cổ đông trực tiếp chỉ được thông qua nếu có ít nhất 65% hoặc 75% quyền biểu quyết tán thành; thời gian triệu tập đại hội bất thường nâng lên 60 ngày thay vì 30 ngày như trước...

Không khó để nhận ra việc sửa đổi điều lệ công ty để ngăn Vinamilk tiến cử người vào Hội đồng quản trị GTNFoods. Thực ra thành viên Hội đồng quản trị GTNFoods có nhiệm kỳ năm năm 2016-2020 và đại hội cổ đông sắp diễn ra trong tháng 6 này sẽ không phải bầu thêm thành viên mới cho đến đại hội năm 2021. Ngoài ra Vinamilk cần nắm giữ cổ phiếu GTNFoods sáu tháng trước khi cử người tham gia hội đồng quản trị.

Vinamilk đầu tư vào GTNFoods là vì Sữa Mộc Châu, đơn vị có doanh thu 2.650 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 215 tỉ đồng năm 2018. GTNFoods đang sở hữu gần 75% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico), mà Vilico nắm giữ 51% cổ phần Sữa Mộc Châu. Vì qua nhiều tầng nấc như thế, nên thực chất Sữa Mộc Châu cũng không đóng góp được bao nhiêu vào doanh thu, lợi nhuận của Vinamilk.

Hải Lý

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289721/buon-tai-khong-bang-dai-von-o-gtnfoods.html