Buôn người, tội ác tột cùng: Cần những giải pháp phối hợp đồng bộ (Kỳ cuối)

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới, lợi dụng công nghệ thông tin để tuyển dụng, xuất khẩu ; lao động trái phép…; tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân… sẽ tác động đến sự gia tăng tội phạm buôn bán người.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 – 20120 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 5 đề án thuộc Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 – 2020; nâng cấp phần mềm “Quản lý công tác phòng, chống mua bán người”, tổ chức tổng kết giai đoạn 2016 – 2020 và nghiên cứu xây dựng Chương trình 130/CP giai đoạn 2021 – 2025.

Thượng tá Đinh Văn Trình – Cục CSHS Bộ Công an.

Các cấp, các ngành chủ động nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan; kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp chỉ đạo nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động xuyên quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử lưu động để phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng và răn đe tội phạm. Đồng thời trao đổi thông tin, xác minh, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân… Tổ chức triển khai các chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng.

Các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, xây dụng, ban hành văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người, trọng tâm là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (năm 2015) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Đánh giá tác động, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người; tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến giáo dục và có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành.

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người là việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho toàn xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Trong đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền Chương trình 130/CP với thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, trong đó tập trung tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN, các hiệp định thỏa thuận, hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, trọng tâm là: Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan. Bên cạnh đó, tổng kết dự án hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê – Kông về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2014 - 2018, xây dựng, triển khai các hoạt động giai đoạn tiếp theo; tổ chức đàm phán, ký kết và triển khai bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người. Các Bộ, ngành và địa phương tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các đề án, dự án về phòng, chống mua bán người… phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Về nhiệm vụ trọng tâm của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, trao đổi với phóng viên, Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết: Trong thời gian tới, Cục CSHS sẽ tăng cường hoạt động của Ban chủ nhiệm Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” (thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ), tổ chức giao ban định kỳ 6 tháng nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công và xác định chương trình, kế hoạch công tác trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, kiểm tra, khảo sát đánh giá, đôn đốc việc thực hiện đề án nhất là việc triển khai có hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2018 tại một số Bộ, ngành liên quan và địa phương trọng điểm. Đồng thời chủ động nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.

Cục CSHS tiếp tục xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh lập danh sách đối tượng, băng nhóm, đường dây tội phạm có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em để lên kế hoạch đấu tranh triệt phá. Tăng cường hoạt động thu nhập và khai thác các nguồn thông tin về tội phạm mua bán người, tiến hành điều tra xác minh theo quy định của pháp luật. Xác định các đường day, băng nhóm tội phạm mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia, tập trung các biện pháp, nguồn lực, hối hợp chặt chẽ giữa Cục CSHS với công an các địa phương kịp thời trao đổi, hợp tác với lực lượng công an các nước để đấu tranh triệt phá theo tinh thần, nội dung đã thống nhất giữa các bên.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/buon-nguoi-toi-ac-tot-cung-can-nhung-giai-phap-phoi-hop-dong-bo-ky-cuoi-82834.html