Buồn lòng vì thấy con vô cảm

Ở bệnh viện về đã là 11h khuya vậy mà chị vẫn thấy cô con gái lớn đang dán mắt vào máy tính. Thấy mẹ mở cửa nó cũng chẳng buồn quay ra.

Vừa mệt lại vừa bực con, đã đi vào đến nhà tắm định thay bộ quần áo đầy mùi bệnh viện, nhưng rồi chị lại quay ra nói: “Con có biết mẹ vừa từ đâu về không?”. Mắt con vẫn dán vào máy tính và trả lời: “Mẹ vào thăm bà nội ở bệnh viện”.

Chị bực bội quát: “Có tắt ngay máy tính đi không. Con biết là mẹ đi vào viện chăm bà mà không hỏi thăm bà được nửa câu à? Bà là bà nội của con đấy, là người đẻ ra bố con đấy, người bế ẵm con suốt ba năm trời đấy”. Con vẫn thản nhiên đáp: “Mẹ nói gì mà nhiều thế! Đang đêm. Con chưa hỏi chứ không phải không hỏi. Mỗi việc bà đi nằm viện mà mẹ cứ làm quan trọng hóa vấn đề. Bố mẹ chả bảo đó là bệnh già là gì”.

“Thế thì quá giỏi rồi. Con cứ ngồi xem tiếp đi. Sau này bố mẹ nhờ vào con nhiều, hi vọng ở con nhiều” chị nói như phát khóc. “Mẹ toàn chuyện nọ sọ chuyện kia. Bà ốm thì đã vào viện. Ở đó có bác sĩ. Lúc nào có điều kiện thì vào thăm chứ việc gì phải “hình thức”. Con vào bà có nhanh khỏi hơn không? Mà mẹ thừa biết cái viện ấy toàn là bệnh truyền nhiễm”- Nó đã không tỏ vẻ biết lỗi thì chớ còn tiếp tục cãi lại chị như thế đấy.

Mẹ chồng chị ốm cả tháng nay rồi và đang nằm viện. Bà bị viêm phổi nên anh chị phải thay nhau nghỉ việc ở cơ quan để chăm sóc. Thật ra, sự mệt mỏi của những đêm thức trắng ở bệnh viện để nâng giấc cho bà không làm chị căng thẳng và khó chịu như thái độ của con trong suốt thời gian qua. Sự việc vừa rồi chỉ như cốc nước bị tràn mà thôi. Con bé đang học lớp 10, cái tuổi đủ để nhận thức được bà chẳng còn sống với gia đình được bao nhiêu nữa. Vậy mà từ hôm bà nhập viện, chưa bao giờ nó tự đề nghị bố mẹ cho vào thăm bà dù viện cách nhà chưa đầy 3km.

Nghĩ về con chị thấy buồn lắm. Càng buồn hơn khi hôm trước, một đồng nghiệp khoe với chị về thằng con trai mới học lớp 1 của chi ấy, tự nhiên hỏi mẹ về một bà bán rau vẫn ngồi ở đầu phố. Bà ấy ngồi ở chỗ đó bao nhiêu năm đến nỗi thành một hình ảnh trong lòng chúng. Giao mùa năm nay không thấy bà cụ, nó bảo với mẹ là thấy trống trải quá. Rồi nó đặt ra bao nhiêu giả định: bà ốm, con bà không cho đi bán hay bà đã mất? Rồi nó cứ băn khoan mãi về một mớ rau có lần mẹ nhờ đi mua, vì không có tiền lẻ trả lại nên bà cụ bảo lần sau mua trả bà cũng được. Nó bảo hôm đó bà mất lãi vì sau đó không thấy bà ngồi ở đó nữa..

Chị nén tiếng thở dài. Có phải cuộc sống càng hiện đại thì tâm hồn con người ta càng trở nên cằn cỗi, vô cảm hay không?

Giải pháp chữa “bệnh” vô cảm cho trẻ

Chứng kiến con trở thành kẻ thờ ơ vô cảm ngay cả với nhũng nỗi đau của người thân, nhiều cha mẹ đau lòng nhưng lại không biết nguyên nhân chính nhiều khi bắt đầu từ chính họ…

Nguồn cơn bệnh vô cảm ở trẻ

Ngoài những nguyên nhân khách quan như hiện tượng adua học đòi bạn bè thông qua hệ thống mạng xã hội, hoặc việc quản lý, giáo dục học sinh lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ phía nhà trường cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng vô cảm. Một số nhà trường vẫn giáo dục kiểu tự do, để các em mặc sức hoành hành thành lập băng nhóm, bè phái....dễ dẫn đến hiện tượng “lây lan tâm lý”, thì môi trường giáo dục gia đình cùng chính là nguồn cơn để thói vô cảm của các em phát sinh.

Bởi gia đình là nền tảng, là nơi đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Tuy nhiên, hiện nay ở một số gia đình không biết giáo dục con cái về sự chia sẻ, về tình yêu thương, sự quý trọng những giá trị vật chất lẫn tinh thần. Từ nhỏ các em được chiều chuộng quá mức, cha mẹ đáp ứng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất mà thiếu hụt về tình cảm dẫn đến các em không cảm nhận được sự thiến thốn hay nỗi đau khổ từ người khác.

Một số gia đình, cha mẹ cứ đi làm cả ngày tối về, thậm chí có gia đình cha mẹ đi làm cả tuần, cả tháng, con cái giao cho người giúp việc hoặc trường lớp. Ở nhà thì đóng kín cửa, không cho con giao tiếp với những người xung quanh, dẫn đến một số trẻ hình thành tâm lý “đèn nhà ai nhà đấy tỏ”, chẳng cần quan tâm đến những người xung quanh, khi “tối lửa tắt đèn” cũng mặc kệ...

Một số cha mẹ thường lại hay đánh đập con cái thường xuyên, trong gia đình cha mẹ hay xảy ra xung đột thì trẻ càng có nhiều nguy cơ nảy sinh sự vô cảm. Theo giảng viên tâm lý Ths Bùi Minh Đức (Học viện Chính trị) cho biết: “Nếu như cha mẹ hay đánh đập con cái thường xuyên đến một thời điểm nhất định chúng sẽ trơ lỳ, hay nói đúng hơn là mất cảm xúc, đòn roi chẳng còn ý nghĩa với chúng, không biết sợ sệt và như vậy trẻ cũng dễ dàng vô cảm với các trường hợp tương tự”.

Giải pháp khắc phục

Trong gia đình, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ cần giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh.

Không nên cấm đoán con cái, hãy để cho con phát triển đời sống tình cảm thông qua các hoạt động và giao lưu, đồng thời cũng đáp ứng vừa phải các nhu cầu vật chất mà làm giàu thêm đời sống tình cảm của con trẻ, nên kiểm soát và điều chỉnh những thái độ và hành vi ứng xử của con khi chúng có biểu hiện thờ ơ, lãnh cảm khi quan hệ giao tiếp.

Trong mọi trường hợp không nên xung đột trước mặt con trẻ cũng như không nên đánh con, bởi lòng bao dung của con người bao giờ cũng được hình thành một cách bền vững nhất trên cơ sở tình thương yêu và trách nhiệm của gia đình.

Về phía nhà trường, tìm cho con môi trường giáo dục từ việc quản lý giáo dục hướng trẻ hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết, đi đôi với dạy chữ là dạy người. Không chỉ riêng môn giáo dục công dân mà ở tất cả các môn học khác cần giúp các em hiểu biết cũng như cách ứng xử trong quan hệ người với người, biết chia sẻ những khó khăn, biết đồng cảm với những nỗi đau của người khác...

Tạo điều kiện để giúp các em học sinh được trải nghiệm cuộc sống, được thể hiện sự đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trại dưỡng lão, trẻ khuyết tật…). Hướng dẫn giúp các em có được những kỹ năng sống cơ bản nhất là kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng bảo vệ an toàn cho người khác và bản thân mình…

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/buon-long-vi-thay-con-vo-cam-d135355.html