Buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp

Theo nhận định của các cơ quan liên ngành, tình hình buôn lậu xăng dầu, đặc biệt là tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển trong những tháng đầu năm 2017 có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ đường thủy của Đông Nam Bộ, khu vực có lưu lượng tàu, thuyền qua lại rất lớn. Đây cũng là địa bàn “nhạy cảm” để các đối tượng buôn lậu lợi dụng sang mạn, mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép.

Vào ngày 30/3/2017, tại khu vực cảng Hải quan 129, thuộc TP Vũng Tàu, Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra hành chính tàu SG 7014 do ông Nguyễn Hoàng Phương, trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu SG 7014 đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO chuẩn bị cấp cho tàu KATUN. Qua kiểm tra tàu SG 7014 của Công ty TNHH Động Lực, các chiến sĩ biên phòng phát hiện tàu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy đinh.

Sau đó 1 ngày, vào ngày 1/4/2017, Trạm Kiểm soát BPCK cảng Cái Mép, BPCK cảng Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra tàu Phú Quý 16, số đăng ký BTh 97686 TS do ông Huỳnh Văn Thanh, trú tại tỉnh Bình Thuận làm Thuyền trưởng đang neo đậu tại cảng PETTEC, Cái Mép. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu đang vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, BPCK cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 5 vụ với 5 đối tượng, tang vật thu giữ 178.000 lít dầu, 3.008 tấn Apatit.

Những vụ việc trên một lần nữa cho thấy hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn ra âm thầm nhưng không kém phần “quyết liệt”; quy mô, phương thức hoạt động của các đường dây buôn lậu trên biển ngày càng lớn và tinh vi, phức tạp.

BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra tàu Phú Quý 16, vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO có nhiều dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Lê Đồng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thành Long dự báo, tình hình buôn lậu xăng, dầu trên vùng biển Vũng Tàu từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là vùng biển tiếp giáp với các nước để kịp thời phát hiện các tàu chở dầu trái phép từ nước ngoài sang vùng biển nước ta.

Theo Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng BPCK cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra chốt chặn, mật phục, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện hoạt động trên các tuyến sông, biển, nhất là khu vực phao số 0, các khu vực “nhạy cảm”.

Đồng thời, đơn vị đã tăng cường lực lượng, đấu tranh, ngăn chặn triệt để nạn buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường có thể xảy ra”.

Nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, BPCK cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường công tác điều tra cơ bản, bám sát địa bàn, đối tượng, phương tiện, phối hợp với các lực lượng chức năng, tập trung vào những địa bàn phức tạp, điểm “nóng” như khu vực phao số 0, khu neo đậu tàu thuyền để kịp thời ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu.

Chặn buôn lậu xăng dầu không dễ

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ năm 2016 đến tháng 6/2017, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện bắt giữ 10 vụ vi phạm có liên quan đến mặt hàng xăng dầu, tập trung chủ yếu tại vùng biển Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bình Thuận. Tang vật vi phạm gồm: 9,3 nghìn tấn xăng, 14,2 nghìn m3 và hơn 49 nghìn lít dầu. Trong đó nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp.

Theo Đại tá Phạm Văn Đệm, Phó Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), năm 2016, lực lượng biên phòng đã bắt giữ, xử lý 60 vụ, 112 đối tượng, thu giữ hơn 5,2 triệu lít xăng, gần 630 nghìn lít dầu; thu tiền phạt hơn hai tỷ đồng, thu tiền bán tang vật phát mại đạt hơn 5,3 tỷ đồng.

Riêng đợt cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 đã phát hiện, thu giữ tang vật gần 10,8 triệu lít xăng, hơn 5,5 triệu lít dầu. Phương thức hoạt động chủ yếu như lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu, quay vòng hóa đơn,…

Cá biệt, có DN mua xăng dầu hợp pháp từ Dung Quất ra biển bán cho ngư dân, sau đó đến địa điểm đã hẹn trước nhập lậu xăng dầu từ tàu nước ngoài và sử dụng chính bộ hóa đơn hiện có để hợp thức lô hàng.

Theo đánh giá của Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia Hồ Quang Thái, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển được đánh giá là đang diễn ra rất phức tạp và gây nhiều hệ lụy, như gây thất thu cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; gây mất an ninh, an toàn trên biển; tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng; chất lượng xăng dầu không được kiểm soát; nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường biển.

Theo nhận định, những tháng cuối năm 2017, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển còn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, việc buôn lậu xăng dầu trên biển còn tạo ra những đồng tiền “bẩn”, bởi các đối tượng phải tìm cách rửa tiền ở trong nước hoặc nước ngoài, từ đó tạo cơ hội phát sinh các loại tội phạm khác có tổ chức, xuyên quốc gia.

Hoạt động buôn lậu dầu DO trên biển diễn ra ngày một tinh vi. Các đối tượng sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuận hiện đại, lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ, ngày thời tiết xấu… để thực hiện giao dịch. Các đầu nậu tổ chức mua dầu của tàu nước ngoài trên biển với giá rẻ, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp và bán trực tiếp lại cho các tàu đánh cá, khai thác hải sản của ngư dân.

Đáng chú ý, việc buôn lậu chủ yếu diễn ra ở vùng biển đặc quyền kinh tế, giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cách rất xa bờ biển Việt Nam. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát biển trong việc bắt quả tang hành vi vi phạm. Đáng ngại hơn, có vụ việc các đối tượng trang bị cả súng quân dụng và sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tiếp cận.

Theo cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển dầu trái phép trên biển có thể chia thành ba nhóm đối tượng: các chủ ghe cá mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ rồi bán ngay cho các ghe cá khác; các chủ tàu, doanh nghiệp (DN) tư nhân gom mua dầu từ các tàu vận tải rồi bán cho các tàu cá hoặc các đại lý xăng dầu trên bờ; các tàu được phép bán lẻ dầu thay vì mua dầu từ đất liền thì họ mua ngay của các tàu chở dầu trên biển để bán lại. Tuy nhiên, nổi cộm hiện nay chủ yếu là các đối tượng làm việc trên các tàu chuyên dùng vận tải xăng dầu.

Khi thực hiện hợp đồng vận chuyển từ nước ngoài về cho các đầu mối xăng dầu trong nước, đã móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để gian lận về số lượng (hàng hóa dôi ra so với hợp đồng vận chuyển), khi về đến vùng biển Việt Nam, các đối tượng này móc nối với các công ty, DN kinh doanh xăng dầu đưa tàu ra khu vực cách bờ khoảng 40 - 50 hải lý để vận chuyển vào vùng nội thủy tiêu thụ và các chủ ghe hoán cải tàu cá thành tàu chở dầu, rồi mua bán, vận chuyển dầu trái phép trên biển.

Trước tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng hoạt động kinh tế và an ninh quốc gia, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, thời gian kế hoạch được phát động và triển khai sâu rộng, kéo dài trong một năm từ tháng 6/2017 đến 6/2018.

Hoàng Văn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/buon-lau-xang-dau-tren-bien-dien-bien-phuc-tap-post12262.html