Buôn lậu mùa giáp Tết tại An Giang: 'Nóng' từ biên giới đến nội địa

Lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, sự chênh lệch giá nên các đối tượng tìm cách tuồn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa để tiêu thụ, thu lợi bất chính.

Mặt khác, một số hộ kinh doanh vì lợi nhuận và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để mua hàng hóa có nhãn mác nước ngoài không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ trộn với các loại hàng hóa hợp pháp để bán lại kiếm tiền lãi cao. Có trường hợp thành lập doanh nghiệp, tạo “lớp vỏ bọc” doanh nhân để đối phó với lực lượng chức năng.

Buôn lậu ngày càng tinh vi

An Giang có đường biên giới tiếp giáp Campuchia đường biên dài gần 100km, có nhiều kênh, rạch, đường mòn, lối mở và nhiều khúc sông chung. Đây là điều kiện thuận lợi được các đối tượng triệt để lợi dụng để đai vác hoặc sử dụng xuồng máy chạy với tốc độ cao vận chuyển hàng hóa nhập lậu về tập kết tại các khu vực bến bãi, khu đất trống sát biên giới, khi gặp thời cơ thuận lợi các đối tượng sử dụng xe ôtô, môtô vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, việc thực hiện các Kế hoạch liên ngành giữa Công an tỉnh với Bộ đội Biên phòng, Quân sự tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua đã đạt hiệu quả cao.

Nhiều chuyên án được Công an tỉnh An Giang xác lập “đánh trúng, đánh đúng”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các đường dây, các đối tượng cầm đầu buôn lậu. “Gần đây, các đối tượng đầu nậu buôn lậu trên địa bàn An Giang co cụm hoặc ngưng hoạt động, không dám mua bán, tàng trữ và vận chuyển hàng nhập lậu với số lượng lớn, chủ yếu diễn ra nhỏ lẻ”, Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, thông tin.

Trong những tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố 17 vụ 27 bị can về các tội “Buôn lậu”, “Buôn bán, vận chuyển hàng cấm”, “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”. Lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh An Giang đã bắt giữ bắt giữ 946 vụ liên quan 710 đối tượng, riêng Phòng Cảnh sát kinh tế bắt giữ 323 vụ, liên quan 294 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 946/1.185 vụ. Tổng giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 154,93 tỷ đồng, tăng 154,93/24,56 tỷ so với cùng kỳ năm 2021.

Đại úy Lê Phú Cường, Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh – Chỉ huy trưởng các Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cho biết, trên tuyến địa bàn biên giới như: TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu và các huyện Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn các đối tượng thuê người đai vác trên các cánh đồng hoặc vận chuyển bằng xuồng máy theo các kênh, rạch từ Campuchia về Việt Nam. Địa điểm giao hàng thường là tại những khu vực vắng người, có nhiều đường để tẩu thoát hoặc để hàng ở nơi vắng vẻ và phân công người ở gần đó để canh giữ nên khi bắt giữ thường là không xác định được chủ sở hữu, nếu có tàng trữ tại các điểm tập kết thì chia nhỏ hàng hóa và cất giấu ở nhiều nơi không đủ định lượng để xử lý hình sự.

Thời gian vận chuyển thường là chập tối, nửa đêm, gần sáng và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để tránh né lực lượng chức năng. Trong quá trình vận chuyển các đối tượng tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng để canh coi, giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu, sau đó sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại để thông tin cho nhau. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp thực hiện.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng các đơn vị chức năng bắt quả tang các vụ buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng các đơn vị chức năng bắt quả tang các vụ buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều thủ đoạn hợp lý hóa hàng lậu

Trong nội địa, do bị đấu tranh mạnh trên tuyến biên giới nên một số đối tượng đã tìm nguồn hàng từ một số tỉnh, thành khác như: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp,... vận chuyển bằng xe ôtô, môtô về địa bàn An Giang tiêu thụ. Một số hộ kinh doanh mua bán vì mục đích lợi nhuận đã lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để mua hàng hóa có nhãn mác nước ngoài không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ trộn lẫn với các loại hàng hóa hợp pháp để bán lại cho người tiêu dùng. Có trường hợp thành lập doanh nghiệp, tạo “lớp vỏ bọc” doanh nhân để đối phó với các lực lượng chức năng.

Điển hình, vào ngày 2/12, Tổ công tác gồm: Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Long Xuyên, Công an phường Mỹ Long và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, tiến hành kiểm tra đột xuất kho chứa hàng của hộ kinh doanh Tường Vi (số 98, đường Chu Văn An, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên), do ông Dương Văn Thức (SN 1975, trú tại phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên) làm chủ. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trong kho hàng có chứa số lượng lớn hàng hóa nhãn hiệu nước ngoài, nghi vấn là hàng hóa nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, ông Thức không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hàng hóa. Tổ công tác tiến hành lập biên bản tạm giữ: 6.580 hộp nhang muỗi, 4.200 hộp nhang thơm, 3.600 bộ bài tây, 523 can nước giặt và 48 chai nước tẩy để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giangcho biết, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng của CBCS. Thời gian vừa qua đã xử lý, xem xét điều chuyển, thay đổi số cán bộ sa ngã, thoái hóa, biến chất hoặc có quan hệ với đối tượng buôn lậu. Từ đó, CBCS làm nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu đã có sự chuyển động mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với quyết tâm cao, phát huy năng lực, sở trường làm việc. Đồng thời, các đơn vị chức năng của tỉnh, nòng cốt là Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… và Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động, tự tổ chức xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Do đó, tình hình tội phạm về buôn lậu được kiềm chế, không phát sinh, hình thành các điểm nóng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cũng như Công an tỉnh An Giang đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Chỉ đạo đấu tranh các chuyên án, vụ án, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang thụ lý. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu của tỉnh. Tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện có hiệu quả công tác chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng với trọng tâm đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác quản lý cán bộ, việc chấp hành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, các quy trình, quy chế, điều lệnh nội vụ để phòng ngừa sai phạm trong CBCS.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/buon-lau-mua-giap-tet-tai-an-giang-nong-tu-bien-gioi-den-noi-dia-i676490/