Buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Gian lận thương mại xăng dầu diễn biến phức tạp

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, từ đầu 2019 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 673/1.825 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng dầu; trong đó, tịch thu 32 cột đo xăng dầu, 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của 19 cửa hàng xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng; tịch thu gần 85.850 lít xăng các loại...

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhận định, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng để găm hàng, thu lợi bất chính; bán xăng dầu không rõ nguồn gốc; kinh doanh xăng dầu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện...

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều kế hoạch tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Do đó, lực lượng Quản lý thị trường cả nước thường xuyên phối hợp cùng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng triển khai công tác chống buôn lậu, nhất là trên tuyến biên giới Đông Nam Bộ và biên giới phía Tây Nam miền Trung. “Siết chặt kiểm tra về xuất xứ và quản lý chất lượng xăng dầu là yêu cầu ngày càng trở nên cấp thiết. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thanh kiểm tra và xử lý mạnh tay các vi phạm", ông Linh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng "chuẩn" mới

Liên quan đến việc quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BCT ngày 30/6/2020 hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu, yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong thiết kế xây dựng mới, đóng mới, cải tạo mở rộng, hoán cải các cửa hàng xăng dầu trên mặt đất và trên mặt nước.

Thông tư mới thay thế Thông tư số 11/2013/TT-BCT và Thông tư số 47/2015/TT-BCT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu. Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo đó, các cửa hàng xăng dầu được phân cấp theo tổng dung tích chứa xăng dầu và phải đáp ứng các yêu cầu chung như vị trí xây dựng, neo đậu cửa hàng xăng dầu, các dịch vụ tiện ích thuộc cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu; việc sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán phải được thực hiện ngoài vùng nguy hiểm hoặc các thiết bị phải là loại phòng nổ. Đối với cửa hàng xăng dầu có kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đóng chai trong khu vực cửa hàng, phải tuân thủ các quy định về yêu cầu an toàn.

Cửa hàng xăng dầu phải xây dựng phương án phòng ngừa sự cố tràn dầu theo quy định của pháp luật; tuân thủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, có quy định riêng với cửa hàng xăng dầu trên mặt đất và cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.

Cụ thể, đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt đất: Khoảng cách giữa các hạng mục xây dựng trong cửa hàng xăng dầu không nhỏ hơn quy định; kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng và các hạng mục xây dựng khác phải có bậc chịu lửa I, II theo quy định; phải đảm bảo khả năng chịu lực ổn định trước tác động của trọng tải, ăn mòn của môi trường xung quanh trong suốt thời hạn sử dụng công trình...

Đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt nước: Kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng và các hạng mục xây dựng khác phải có bậc chịu lửa II, III theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình hoặc Quy chuẩn quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa.

Các cửa hàng phải có phương án phòng chống lụt bão, phải xác định vị trí neo đậu tránh bão theo quy định. Đối với cửa hàng xăng dầu xây cố định phải có biện pháp chống, néo và sơ tán để tránh bão theo quy định.

Thông tư cũng quy định chi tiết về yêu cầu đối với bể chứa xăng dầu, cột bơm xăng dầu, đường ống công nghệ, hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, hệ thống thu hồi hơi xăng dầu, khoảng cách của cửa hàng xăng dầu đến các công trình hạ tầng khác...

Phong Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/buon-lau-gian-lan-thuong-mai-trong-kinh-doanh-xang-dau-ngay-cang-tinh-vi-d175933.html