Buôn lậu, gian lận thương mại: Diễn biến phức tạp

Khi dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát, hoạt động kinh doanh buôn bán sôi động trở lại, cùng với đó hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng gia tăng.

“Nóng” mọi cung đường

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), sau thời gian dài giãn cách xã hội, xuất hiện tình trạng tập kết hàng lậu ở các tụ điểm của những địa bàn biên giới trọng điểm để sẵn sàng thẩm lậu vào nội địa bất cứ khi nào. Cụ thể, một số tụ điểm tập kết hàng lậu (phía Trung Quốc) giáp biên giới Lạng Sơn đã có dấu hiệu tích tụ nhiều hàng hóa.

Lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa nhập lậu

Đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường thay đổi tuyến đường, biến tấu trong việc sử dụng các phương tiện để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, thậm chí nhiều hàng hóa nhập lậu được hợp thức bằng hóa đơn bán hàng thông thường. Thời gian gần đây, các đội QLTT liên tiếp kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng hóa vi phạm là hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng, máy móc… Tính riêng trong tháng 5, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra 456 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; xử phạt vi phạm hành chính 367 vụ với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính đạt trên 4,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại tuyến đường biển, hàng hóa nhập lậu cũng “nóng” không kém. Mới đây, lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang đã bắt giữ 2 ghe vận chuyển gần 55 tấn hàng điện lạnh, điện tử nhập lậu, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 6, khi các hãng hàng không đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa, lợi dụng hình thức vận chuyển hàng không để tiến hành đưa hàng vào sâu nội địa, các đường dây, ổ nhóm chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng hoạt động mạnh trở lại. Gần đây nhất, lực lượng QLTT đã thu giữ lô hàng hóa có vận đơn số 738.4744-6512, được vận chuyển từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài, tại kho hàng hóa nội địa (NCTS) thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Trong đó, phát hiện 1.877 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi, sữa các loại được chứa đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng.

Phối hợp chặt chẽ

Trước nguy cơ buôn lậu gia tăng, các lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu đã và đang tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác trinh sát, nắm tình hình để kịp thời phát hiện, đấu tranh cả trên biên giới đường bộ, khu vực cảng biển và đường hàng không.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới chạm đến phần nổi của tảng băng chìm.

“Lực lượng hải quan cần phối hợp tốt với lực lượng biên phòng, tập trung tiến công các đường dây, ổ nhóm để phòng ngừa, triệt phá nạn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm ngay tại các điểm nóng ở khu vực cửa khẩu, biên giới”- ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Đàm Thanh Thế, các lực lượng như QLTT, công an, thuế cần phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; theo dõi, xác lập đối tượng, chuyên án cụ thể để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật, hoặc chuyển cơ quan chức năng khởi tố những vụ việc về hàng giả, buôn lậu, nhất là hàng cấm, gian lận có giá trị, thuế suất lớn. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê tội phạm.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp, từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mới đây, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng cục QLTT đã ký quy chế phối hợp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuệ Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buon-lau-gian-lan-thuong-mai-dien-bien-phuc-tap-139379-139379.html