Buôn lậu đường: Phải có luật xử trách nhiệm, cách chức người liên quan

Giống như than, tình trạng nhập lậu gia tăng theo cấp số nhân xảy ra trong ngành mía đường đang là vấn đề khiến cho người nông dân khốn khó, doanh nghiệp lao đao, cơ quan quản lý đau đầu.

Tại Tọa đàm “Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi “bẫy” hội nhập?” do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế & Quản lý Trung ương (CIEM) thừa nhận, mía đường là một trong 3 ngành khiến cho nền kinh tế Việt Nam có nhiều vương vấn nhất kể cả mặt tích cực lẫn tiêu cực bên cạnh lĩnh vực thép và ô tô.

Ông Thành cho rằng, vấn đề hiện nay của ngành mía đường không còn nằm ở câu chuyện mục tiêu 1 triệu tấn đường mà nằm ở những giải pháp ngắn hạn và dài hạn để đưa ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập và phát triển.

Ông Võ Trí Thành nói, “Chúng ta đừng lật lại mục tiêu 1 triệu tấn đường là đúng hay sai hay 20 năm qua chúng ta đã làm gì? Vấn đề hiện nay là chúng ta sẽ phải làm gì trong thời gian tới”.

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành

Theo vị chuyên gia này, vấn đề của ngành mía đường hiện nằm ở 2 câu chuyện ngắn hạn và dài hạn.

Với tầm nhìn dài hạn, ông Thành cho rằng, thực sự mục tiêu 1 triệu tấn đường là giải quyết vấn đề nông dân. “Về cơ bản, tư tưởng của các nước và tư tưởng của Việt Nam thì ngoài doanh nghiệp có lãi, biến động ngoại tệ… cơ bản vẫn là vấn đề người nông dân. Hội nhập kéo dài nhất cơ bản cũng là giải quyết vấn đề của người nông dân.

Vậy thì, 10 hay 15 năm tới, liệu chúng ta có giải quyết vấn đề người nông dân bằng mía đường hay không? Đó là câu hỏi lớn nhất. Và nếu có 1 phần của ngành mía đường, thì cái gì có thể làm cho ngành mía đường sống với cách kinh doanh, kiếm tiền được và hiệu quả được?”, ông Võ Trí Thành đặt câu hỏi.

Đối với mục tiêu ngắn hạn 6 tháng hay 1 năm tới, theo vị này, tinh thần chung của mía đường phải tự mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại.

“Chúng ta không đổ lỗi 20 năm qua chúng ta chậm hay nhanh mà phải thay đổi tư tưởng theo hướng “chúng ta là chính”. Có nghĩa rằng, chậm nhất 3 tháng tới các anh phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. Nhà máy nào chết và cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì nhập khẩu theo hạn ngạch hay do nhập lậu?”, ông Thành khẳng định.

“Nếu do nhập lậu, thì chúng ta có giải pháp hay không? Tôi nhớ câu của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông còn làm Phó Thủ tướng rằng, không làm được đâu. Vì sao? Vì quan thì tham nhũng, dân thì thiếu việc làm, đường biên giới dài. Như vậy, khó có giải pháp để chống buôn lậu”, ông Thành thông tin thêm.

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng, với ngành mía đường, chúng ta cần phải nhìn nhận từ năng lực của ngành cho tới đối thủ cạnh tranh hiện nay của ngành mía đường.

PGS.TS. Trần Đình Thiên

“Thứ nhất, về năng lực của ngành mía đường so với đối thủ, chúng ta cần xác định được năng lực cạnh tranh của chúng ta đang ở đâu so với đối thủ cạnh tranh. Nếu năng lực của ngành thấp, làm mía đường có hay không?

Trước đây, Việt Nam đặt ra mục tiêu 1 triệu tấn đường để mang lại công việc cho người nông dân. Nhưng đó là mục tiêu trước đây, hiện nay chúng ta đã mở cửa hội nhập, liệu 1 triệu tấn này có thực sự cần hay không? Và cách làm ra 1 triệu tấn đó có giải quyết được vấn đề gì hay không?

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải nhìn lại tầm nhìn chiến lược cho ngành mía đường. Đồng thời, cần phải chuyển đổi và tái cấu trúc ngành theo hướng hiệu quả hơn”, ông Thiên phân tích.

Chưa hết, theo vị chuyên gia này, một trong những việc quan trọng không kém mà ngành mía đường cũng cần phải làm đó là thực hiện một cuộc kiểm điểm xem nhà máy nào sống được, nhà máy nào không làm được hay đang thoi thóp?

“Phải sáp nhập các nhà máy, liên kết để phát triển thậm chí là cho phá sản doanh nghiêp làm không hiệu quả.

Với đối thủ cạnh tranh, ông Thiên cho rằng, chúng ta cần phải xác định đối thủ là ai, chiêu thức là gì để nâng cao năng lực của chúng ta. Chiêu thức của đối thủ để ta có chiêu đối lại phù hợp.

"Đơn cử như với Thái Lan, ta có thể đàm phán với họ để tạo ra sức mạnh cùng phát triển. Chỉ có điều, khi Thái Lan có chiêu thức mà không thể dùng được nhưng họ vẫn phải tiếp tục dùng, đó là điều kiện để chúng ta thỏa thuận với họ. Đây là sự sống còn của ngành mía đường, chúng ta cần phải quyết liệt mới có thể giải được bài toán này", ông Thiên nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế bày tỏ, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được những biện pháp không thua kém nước ngoài nhất là Thái Lan. Thái Lan có bảo hộ, thì chúng ta cũng nên đưa ra những giải pháp bảo hộ cần thiết, phù hợp và khả thi.

“Nếu chúng ta không làm được điều đó là lỗi của ngành Công Thương”, ông Phong nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế

Đặt vấn đề về câu chuyện buôn lậu đường đang tràn lan, tăng theo cấp số nhân gây hệ lụy lớn, theo vị chuyên gia này, việc buôn lậu tồn tại là lỗi của Quốc hội vì Quốc hội đã không đưa ra được luật để chống lại những trường hợp này.

“Tức là phải cách chức những người có trách nhiệm và phải có luật xử trách nhiệm cá nhân trong chuyện buôn lậu. Làm gì có chuyện để họ mang hàng trăm nghìn tấn chạy phăng phăng như thế được. Giống như than hàng trăm triệu tấn. Đó không phải là buôn lậu mà đó là buôn có tổ chức. Công tác bảo hộ của cá nhân, tổ chức ở đây phải quyết liệt. Trách nhiệm của cá nhân và những người có chức trách rất quan trọng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Gia Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/buon-lau-duong-phai-co-luat-xu-trach-nhiem-cach-chuc-nguoi-lien-quan-985168.html