Buôn lậu đường 'nóng' dịp cuối năm

Càng gần Tết Nguyên đán, khi nhu cầu sử dụng tăng cao thì tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới lại nóng lên và diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động công khai với nhiều thủ đoạn tinh vi đã 'qua mặt' lực lượng chức năng, vận chuyển trái phép đường nhập lậu vào thị trường trong nước tiêu thụ.

Lực lượng chức năng của Bộ Chỉ huy BÐBP Quảng Trị phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển đường nhập lậu tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: CÔNG SANG

Tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh tây nam những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều. Ðặc biệt, càng gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình trạng buôn lậu lại càng nhiều. Mặc dù, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu đường cát nhưng tình trạng này vẫn như "muối bỏ biển".

Qua thời gian theo dõi, phát hiện đường dây buôn lậu đường cát ở tỉnh An Giang cho nên lực lượng công an đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá. Ðến cuối tháng 12-2018, tại huyện An Phú (An Giang), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp các lực lượng chức năng bắt quả tang bốn đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ Cam-pu-chia vào Việt Nam. Tang vật thu được là 90 tấn hàng, trong đó, 70 tấn đường cát không có hóa đơn, chứng từ. Cũng vào thời điểm cuối tháng 12, Ðồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) phối hợp lực lượng chức năng tổ chức mật phục tại khu vực ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Ðốc (An Giang) phát hiện một ô-tô tải có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra và phát hiện trên xe chở 100 bao đường cát, loại 50 kg/bao, nhãn mác trên bao bì ghi bằng chữ Thái-lan. Thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số đường cát nêu trên.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh cho biết, hiện nay tình trạng buôn lậu đường cát "nóng" nhất là ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, tình trạng đường cát nhập lậu cũng xuất hiện qua đường biển ở các địa phương như Hải Phòng, Thái Bình... Thông thường, đường cát lậu được tập kết dọc biên giới Lào và Cam-pu-chia rồi vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy vào nước ta. Sau đó, đưa đến nơi tập kết và vận chuyển bằng ô-tô tải thẳng về các điểm tiêu thụ. Trước đây các đối tượng buôn lậu còn sang chiết đường cát lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện, thì nay, các đối tượng chở đường cát lậu công khai bằng xe tải lớn, khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài. Nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ. Hơn nữa, đường cát lậu còn được các đối tượng hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: Sử dụng giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2018, đường cát buôn lậu vào thị trường nước ta khá lớn, khoảng từ 500 đến 700 nghìn tấn. Nguyên nhân là do công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu đường vẫn còn bộc lộ nhiều sơ hở, do các quy định còn chồng chéo, khó thực hiện. Ðối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định mà tiếp tục tái phạm, bởi hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Khi lực lượng chức năng vào cuộc mạnh thì các đối tượng buôn lậu đường cát dừng lại. Nhưng đến khi không ra quân thì các đối tượng này lại vận chuyển ồ ạt. Ngoài ra, cũng không loại trừ ở nhiều nơi, cơ quan chức năng có hiện tượng "bảo kê" cho hoạt động trái phép này. Hơn nữa, giá đường cát ở nước ngoài thấp hơn giá đường trong nước cũng khiến tình trạng này gia tăng.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, buôn lậu đường cát có xu hướng gia tăng do nhu cầu của thị trường tiêu thụ tăng. Trong khi đó, niên vụ mía đường 2018-2019 đã bước vào vụ ép, lượng đường tồn kho trong nước vẫn còn nhiều gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả, bên cạnh lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của cả các cấp chính quyền và người dân. Lực lượng chức năng cần quản lý giám sát việc xuất hóa đơn bán hàng, tránh lợi dụng quay vòng hóa đơn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm các quy định về nhãn mác hàng hóa. Ðồng thời, cần có những chế tài đủ mạnh và giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm những kẻ vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu, các chủ đầu nậu. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cũng cần đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng; đồng thời phải hạ giá thành sản phẩm thì đường cát lậu mới "hết cửa" xâm nhập vào thị trường nước ta.

Hoàng Hùng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/38813402-buon-lau-duong-nong-dip-cuoi-nam.html