Buôn hàng 'sida' kiểu Mỹ

Mua bán hàng qua mạng làm nảy sinh nhiều mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn nghề mua sỉ hàng bị trả về để bán lẻ kiếm lời.

 Ở Mỹ ước tính hàng mua qua mạng bị người mua từ chối trả về cho nơi bán lên đến 370 tỉ đô la.

Ở Mỹ ước tính hàng mua qua mạng bị người mua từ chối trả về cho nơi bán lên đến 370 tỉ đô la.

Năm ngoái, Bloomberg ước tính hàng mua qua mạng bị người mua từ chối, trả về cho nơi bán lên đến 370 tỉ đô la ở nước Mỹ. Các doanh nghiệp thương mại điện tử tràn ngập hàng trả về, phải tìm cách thu được càng nhiều tiền từ đống hàng này càng tốt. Thế là nảy sinh một nghề mới, chuyên mua sỉ theo lô lớn hàng bị trả về.

Đầu tiên là các nơi mua sỉ loại một như trang Bulq.com; họ giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thương mại điện tử để nhận nguyên những đợt hàng trả về. Xong rồi họ sẽ phân loại sơ khởi hàng trả về: loại còn mới nguyên, loại gần như mới, loại trả về chưa mở ra kiểm tra, loại hàng có trầy xước... nhưng chỉ bán từng thùng. Chẳng hạn một thùng được liệt kê có 94 món, tình trạng gần như mới toanh, trị giá bán lẻ nguyên thủy là 21.000 đô la, nay bán sỉ với giá 6.000 đô la.

Sau đó là những người như Kerry Franciscovich, chuyên mua hàng nguyên thùng từ Bulq.com về phân loại; cái nào mới tinh thì lên cửa hàng cô mở trên Amazon để rao bán, cái nào có trầy xước thì qua rao bán bên Ebay. Một thùng hàng mua giá 100 đô la, cô bỏ ra bốn giờ phân loại, rao bán và thu về 253 đô la mặc dù mới bán chỉ một nửa. Bloomberg cho biết đội ngũ bán hàng mua sỉ, bán lẻ như Kerry Franciscovich nay đã lên đến hàng trăm ngàn người.

B-Stock Solutions, một trang web bán sỉ loại một khác, hàng ngày tổ chức bán đấu giá các thùng hàng, loại hàng bị trả về mà họ mua nguyên từ các doanh nghiệp thương mại điện tử. Tổng giám đốc Howard Rosenberg của B-Stock Solutions cho rằng nhờ mô hình kinh doanh bán sỉ loại một như họ mà hàng ngàn người có thể khởi nghiệp - theo kiểu như cô Franciscovich. B-Stock được thành lập cách đây 10 năm; doanh số năm 2018 chừng 70 triệu đô la, tăng 20% so với năm trước đó.

Theo Bloomberg, tỷ lệ trả hàng ở các cửa hàng ngoài đời là vào khoảng 8% nhưng mua bán qua mạng, tỷ lệ này tăng gấp 3 lần. Có nhiều lý do khách đòi trả hàng như hàng không đúng loại muốn mua, hàng bị sai màu sắc, kích cỡ, hoặc đơn giản khách đổi ý, không muốn mua nữa. Theo luật, nơi nhận hàng trả về không được để nguyên vậy mà bán lại; họ phải bán chúng dưới dạng thanh lý hay ghi rõ “hàng refurbished”.

Trước đây hàng trả về, các nơi bán hàng bán cho công ty thanh lý mua với giá rẻ mạt rồi bán cho các doanh nghiệp chuyên bán hàng giảm giá. Nay nhờ các doanh nghiệp kiểu như Bulq và B-Stock Solutions, nhiều lớp trung gian bị xóa bỏ, việc chọn mua hàng theo lô dễ hơn vì miêu tả chi tiết, kèm hình ảnh, cạnh tranh theo hình thức đấu thầu cũng giúp nâng giá lên.

Nhưng người kinh doanh nhỏ lẻ như Kerry Franciscovich cũng dần chuyên nghiệp hơn: cô mở rộng kho hàng từ garage lấn sang một phòng ngủ bỏ trống rồi cả phòng ăn. Cô học cách sắp xếp hàng, lên danh mục để theo dõi hàng vào, hàng ra. Thế nhưng, cũng như các tay buôn hàng “sida” ở nước ta, không phải thùng hàng nào cũng “ngon ăn”. Cô cho biết có thùng chật vật lắm mới bán đủ món để thu hồi vốn. Năm ngoái cô bán được tổng cộng 33.000 đô la, trong đó tiền mua hàng chiếm chừng một phần ba.

Cũng có những người làm ăn quy mô lớn hơn như Chuck Popovich, tận dụng kinh nghiệm bán hàng qua Ebay nay nhảy vào ngành bán lẻ hàng đổi trả. Năm 2017, Popovich có doanh thu 300.000 đô la. Năm 2018, anh thuê nhà kho rộng chừng 650 mét vuông gần nhà để chứa hàng mua từ Bulq.com. Năm nay, anh đặt mục tiêu đạt doanh thu một triệu đô la.

Hiện tượng khách mua hàng qua mạng có tỷ lệ trả hàng cao không chỉ xảy ra ở Mỹ mà còn ở nhiều nước khác. Theo CNBC, Amazon Ấn Độ có tỷ lệ hàng bị trả lại cao nhất trong hệ thống Amazon các nước. Vì thế các công ty mua sỉ loại một như B-Stock đang mở rộng hoạt động ra đến 130 nước. Optoro, công ty là chủ trang bán sỉ Bulq.com thì tận dụng công nghệ thông tin và ở mức nào đó là trí tuệ nhân tạo để giúp xác định kênh bán hàng tối ưu cho mỗi món hàng trả về họ nắm trong kho. Ngoài Bulq.com, nơi này còn mở trang Blinq.com để bán hàng trả về đến tận tay người tiêu dùng. Ở đây người tiêu dùng có thể mua hàng “refurbished” rẻ hơn hàng nguyên gốc đến 40%.

Thư Kỳ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286678/buon-hang-sida-kieu-my-.html