'Buôn' giá trị cũ

Họ không chọn 'đại học là con đường duy nhất', thậm chí bỏ cả công việc đang 'ngon lành' để rẽ sang bước ngoặt mới. Mà đây là đường khó: khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống. Họ chấp nhận vừa đi vừa 'mò', đương đầu với những khó khăn, thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị.

Vừa đi vừa mò

Mai Lan cười kể lại, ngày chị nói với cả nhà quyết định nghỉ việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam để mở tiệm thêu, mẹ chị đã thốt lên “Con có bị điên không?”. Là bởi, bà chỉ muốn con gái yên phận làm nhà nước cho đến ngày lấy lương hưu. Là bởi, nghề thêu, cả làng còn chả trụ nổi, nữa là thân con gái nơi thị thành. Nhưng với Mai Lan, càng thách thức, càng thú vị. Hơn nữa, ở cái tuổi gần 40, chị cũng không cho phép mình bị ảnh hưởng bởi những quyết định bốc đồng.

Nguyễn Đức Lộc đang trò chuyện với khách hàng về một sản phẩm cổ phục

Nguyễn Đức Lộc đang trò chuyện với khách hàng về một sản phẩm cổ phục

Mai Lan sinh ra ở làng thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội). Từ bé, hình ảnh ông bà, bố mẹ ngồi bên khung thêu, những đứa trẻ chạy nhảy xung quanh vui đùa, thỉnh thoảng được cho thêu thử một đám cỏ, một bông hoa, được khen, được thưởng kẹo… đã là những kỷ niệm tuổi thơ của Lan hay bất cứ đứa trẻ nào trong làng. Ngày đó, nghề thêu còn thịnh, mỗi tháng tiết kiệm được cả chỉ vàng. Nhưng từ năm 2000 trở đi, những đơn hàng thưa vắng dần, người già nghỉ thêu đi làm nông kiếm sống, người trẻ ngại ngồi gò lưng cả ngày. Làng thêu trầm lắng, khung thêu chỏng chơ. “Khi nhìn người làng mang khung thêu cũ mục ra nấu bánh chưng, tôi cứ day dứt, xót xa”- Mai Lan kể.

Nỗi day dứt ấy ám ảnh Mai Lan cho đến một ngày, khi cô mặc chiếc áo thêu từ làng, bạn bè đã rất ngạc nhiên, thích thú và tới tấp đặt may. Lan biết, đây là thời điểm để mình bắt đầu. Trong cuộc sống hiện đại khi máy móc đã thay thế con người trong khá nhiều lĩnh vực thì người ta lại có xu hướng trở về với những sản phẩm bằng tay tỉ mỉ, mộc mạc. Nghề thêu không chết, nó vẫn ở đó, như một cô gái đẹp bị cấm cung và việc mà Lan cần làm là cầm tay “cô ấy” bước ra, hòa mình vào dòng chảy thời đại. Mai Lan tìm về các nghệ nhân, những người thợ giỏi trong làng, thuyết phục họ giữ nghề, làm cầu nối giữa nghệ nhân với thị trường. Tự đặt mình lên chuyến xe một chiều, Lan nộp đơn thôi việc. Chị cũng “xúi” luôn cô bạn thân Hà Trang nghỉ công việc ở đài truyền hình để cùng nhau dựng lên Tiệm thêu tay Tú Thị ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội. Nơi đây, khách hàng sẽ tìm được những món đồ giá trị như áo dài, khăn tay, lót li, ví… được thêu tay trên chất liệu chủ yếu từ các làng lụa nổi tiếng Việt Nam như Hà Đông, Nha Xá, Mã Châu…

Cũng yêu thích văn hóa truyền thống như Mai Lan, Hà Trang nhưng Nguyễn Đức Lộc lại chọn một “ngõ hẹp” hơn để đi, đó là phục dựng các cổ phục. Từ bé, Lộc đã quan tâm và thích đọc sách sử. Tuy nhiên, tự nhận mình không có duyên với thi cử, sau khi trượt đại học, thay vì tiếp tục ôn thi, Đức Lộc quyết định thực hiện giấc mơ mà từ lâu chàng trai 9X này vẫn ấp ủ.

“Cách đây 2 năm, khi tham gia các nhóm Đại Việt Cổ Phong, Đình làng Việt, Vietnam Center... tôi đã rất ấn tượng khi tìm hiểu về các trang phục cổ của dân tộc Việt. Nhưng tôi không muốn chỉ dừng lại ở bảo tồn, trưng bày. Tôi muốn những sản phẩm mang giá trị lịch sử đó sẽ đi xa, đi rộng, đi sâu vào cuộc sống của người dân”- Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Đó là lý do thôi thúc Lộc thành lập công ty Ỷ Vân Hiên. “Tôi từng nghĩ nếu thương mại các giá trị văn hóa thì sẽ khiến chúng trở nên kém sang, kém quý. Nhưng rồi tôi nhận ra, văn hóa và kinh tế không thể tách rời, chỉ có kinh doanh mới giúp văn hóa phát triển thăng hoa. Đó là con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã và đang làm. Người Việt mình cũng có chất liệu văn hóa lịch sử vô cùng phong phú, đa dạng để có thể làm tốt điều đó”- anh nói.

Đồng hành cùng Ỷ Vân Hiên là các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín trong vai trò cố vấn chuyên môn như: Học giả Trần Quang Đức - Tác giả của công trình nghiên cứu “Ngàn năm áo mũ”; Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Đức; Nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc,...

Ông chủ 9X cũng tìm kiếm, phối hợp làm việc với các nghệ nhân của các làng nghề sản xuất những sản phẩm truyền thống Việt như hài, quạt, gối xếp, khăn vấn, guốc mộc… từ Bắc tới Nam và sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A. Đức Lộc chia sẻ, một trong số những nghệ nhân đặc biệt của Ỷ Vân Hiên là bà Công Tôn Nữ Trí Huệ - chắt nội vua Minh Mạng - đang sống tại thành phố Huế. Dựa vào trí nhớ và tay nghề, bà đã tái hiện lại những chiếc gối xếp trong cung đình nhà Nguyễn để Ỷ Vân Hiên phục vụ sinh hoạt hiện đại. Trong tương lai, bà sẽ tiếp tục đồng hành cùng chàng trai 9x phục dựng nhiều sản phẩm khác và phối hợp dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ kế cận.

Hàng tuần, Tú Thị đều tổ chức các lớp dạy thêu do nghệ nhân làng thêu Quất Động trực tiếp hướng dẫn

Bán đi, không chỉ sản phẩm

“Cái khó khăn nhất khi kinh doanh văn hóa truyền thống là không phải ai cũng hiểu được giá trị của nó. Chính vì thế, mình phải vừa là người bán hàng, vừa là người kể chuyện. Mỗi một sản phẩm là một câu chuyện văn hóa”- Đức Lộc chia sẻ.

Anh đã thành lập nên các nhóm: Trang phục áo dài nam truyền thống, Hội Việt Nam cổ phục, Hội những người yêu cổ phục... Lộc cũng thường xuyên kết hợp với các chuyên gia tổ chức sự kiện, show diễn, tọa đàm về trang phục truyền thống... để người trẻ hiểu hơn về trang phục cổ của người Việt, biết được lịch sử hình thành của từng tà áo, từng chiếc quạt, đôi hài... Với lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian nên thời gian qua, Ỷ Vân Hiên cũng đã phối hợp với các tổ chức, kênh truyền hình… để phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, gameshow, trình diễn… Các sản phẩm trên trang web Ỷ Vân Hiên, đi kèm với hình ảnh là những dòng giới thiệu lai lịch, câu chuyện lịch sử liên quan đến sản phẩm ấy.

Còn Tú Thị lại chọn cách kể chuyện khác. Cuối mỗi tuần, Mai Lan và Hà Trang lại tổ chức các buổi học thêu cho cả người lớn và trẻ nhỏ, với sự giảng dạy trực tiếp của nghệ nhân Bùi Lê Thuần. “Nhiều khách đến với Tú Thị để ngồi cả tiếng say sưa nghe chúng tôi kể về công việc của các nghệ nhân, sự kỳ công của nghề thêu, rồi họ tò mò đến học thêu, thích thú khoe những hình thêu nhỏ xinh do chính mình làm nên... Những điều đó khiến chúng tôi có thêm động lực, tin vào con đường mình đang đi và trao niềm tin đó cho các nghệ nhân, thợ thêu”- Mai Lan tâm sự.

Kinh doanh văn hóa cổ nhưng không bảo thủ. Kiên quyết giữ nguyên dáng áo cổ, nhưng chất liệu có thể mới đi, màu sắc cũng đa dạng hơn. Đặc biệt, để áo dài dễ “đi” vào đời sống, Nguyễn Đức Lộc đã thiết kế thêm túi quần để ... đựng điện thoại- vật bất li thân của con người trong cuộc sống hiện đại.

Mai Lan và Hà Trang cũng luôn tìm tòi những mẫu thêu mới, hiện đại... bởi mẫu thêu truyền thống thường không đa dạng. “Áo dài vốn không có nhiều kiểu dáng nên khó nhất khi thiết kế là làm sao để tạo cái mới từ sự hạn hẹp đó. Hơn nữa, họa tiết lại phải phù hợp với thêu tay truyền thống bởi có những thứ nhìn thì đẹp nhưng thêu lên lại bị thô”- Hà Trang chia sẻ lý do tham gia khóa học về thiết kế. Chị cũng đang tìm tòi, thử nghiệm để đưa những họa tiết cổ trong văn hóa Việt lên tà áo dài.

Mới đây, Tú Thị cũng đã lập nên một xưởng thêu nhỏ trong khuôn viên căn nhà 3 gian 2 chái ở quê, tạo một mô hình để khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan khi về làng Quất Động. Còn Ỷ Vân Hiên đang triển khai dự án thiết kế lại hệ thống áo lính nhà Nguyễn và kết hợp với huyện Quốc Oai thiết kế lại lễ phục cho các cụ tham gia lễ hội chùa Thầy sắp tới.

Dẫu mỗi người một con đường nhưng những người trẻ ấy đều tin rằng “hiểu được quá khứ mới biết được hiện tại, từ đó tìm thấy hướng đi ở tương lai”.

Thanh Hương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/buon-gia-tri-cu-1341780.tpo