Buôn bán thịt gia súc, gia cầm bị dịch bệnh bị xử lý ra sao?

Hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành nhiều nơi, nhiều người lo ngại rằng vì lợi nhuận một số tiểu thương mang lợn nhiễm dịch (có chủ đích) hoặc vô tình bán buôn lợn dịch. Theo quy định của pháp luật, việc buôn bán thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm dịch bệnh sẽ bị xử lý thế nào? Bạn đọc Thanh Xuân (Bắc Giang)

Luật sư Phạm Quang Xá - Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời:

Khi kinh doanh, buôn bán thịt, hoặc các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, các cá nhân, tổ chức kinh doanh đều có nghĩa vụ: Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm (Khoản 1, Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010). Điều này đồng nghĩa với việc pháp luật không cho phép cá nhân hay tổ chức kinh doanh vô tình hay được phép để xảy ra việc thiếu thận trọng mà buôn bán nhầm thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh.

Theo đó, đối với hành vi giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thì bị phạt từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng theo Điểm a, Khoản 7, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì mức xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 5 lần đến 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm nếu cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch hoặc động vật bị tiêu hủy theo Khoản 4, 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm).

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây ngộ độc cho nhiều người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bảo Yến (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/buon-ban-thit-gia-suc-gia-cam-bi-dich-benh-bi-xu-ly-ra-sao-981772.html