Buôn bán đồ chơi bạc bịp tràn lan: Luật không đủ răn đe

Thời gian vừa qua, Báo Tiền Phong cũng nhận được nhiều phản ánh bức xúc liên quan đến sử dụng các dụng cụ đánh cờ bạc bịp. Thực tế, việc buôn bán loại hàng hóa này đang diễn ra công khai, gây hậu quả rất lớn nhưng pháp luật chưa đủ sức răn đe.

Bộ “Xóc đĩa nước điện từ nano bôi quân vị báo rung” được báo giá 4 triệu đồng.

Bộ “Xóc đĩa nước điện từ nano bôi quân vị báo rung” được báo giá 4 triệu đồng.

Một clip bán đồ chơi cờ bạc bịp hơn 5 triệu lượt xem

Tìm hiểu về dụng cụ chơi cờ bạc bịp, PV gọi tới số điện thoại 0973.036… của một người tên Quang, nhân vật xuất hiện trong nhiều video giới thiệu cách sử dụng dụng cụ đánh bạc bịp trên Facebook. Sau vài lần điện thoại, Quang hẹn gặp ở bến xe Giáp Bát (Hà Nội) rồi cho nhân viên ra đón. Qua nhiều ngõ ngách, người dẫn đường đưa chúng tôi đến một ngôi nhà 4 tầng nằm sâu trong một con ngõ trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân).

Tòa nhà 4 tầng (màu trắng), nơi đối tượng quang dùng để giao dịch dụng cụ cờ bạc bịp với khách hàng

Quang cao khoảng 1m70, hơi béo, tay xăm kín hình rồng. Không còn giọng điệu nhẹ nhàng lúc trao đổi qua điện thoại, Quang dùng nhiều tiếng lóng, đúng theo kiểu của dân anh chị, bụi bờ. Quang yêu cầu người mua để điện thoại, ba lô ở tầng 1, rồi dẫn lên tầng 2 thử đồ. Trong căn phòng khoảng 20m2, Quang và 2 nhân viên đưa ra một bộ xóc đĩa với thiết bị rung được ngụy trang trong chiếc Iphone 6, một lọ “nước thần” được Quang gọi là nước “điện từ nano” và 4 quân vị để xóc đĩa. Quang tuyên bố, đây là bộ sản phẩm “Xóc đĩa nước điện từ nano bôi quân vị báo rung” có giá 4 triệu đồng.

Quang thoăn thoắt bôi thứ nước nano trong lọ vào 4 quân vị rồi bắt đầu "biểu diễn". Sau mỗi lần đĩa bát được xóc lên và đặt xuống bàn, chiếc điện thoại lại rung/hoặc im lặng, ứng với sự sấp ngửa, chẵn lẻ của 4 quận vị nằm kín trong chiếc bát. Quang thực hiện 5 lần, cả 5 lần đều trúng phóc. Quang “nổ” thêm: “Hàng này nhập từ Hồng Kông, Ma Cao - “xứ sở” cờ bạc nên đảm bảo chất lượng. Không đúng đền gấp 10 lần”. Lấy lý do để rút lui, Quang liền bắt PV trả 500 nghìn đồng tiền thử đồ và … mời về.

Chúng tôi cất công tìm gặp Quang sau khi nhận được cuộc điện thoại đền đường dây nóng đề nghị hỗ trợ của của anh V thường trú tại Mỹ Đức (Hà Nội). Anh V cho hay, anh có cậu em trai có máu đỏ đen bị nhóm của Quang lừa bịp bán cho dụng cụ chơi cờ bạc bịp không thể sử dụng. “Khi biết chuyện, tôi bắt em đi trả hàng, đòi tiền về nhưng không được. Bộ đồ chơi đó cũng không thể dùng được vì khi bán nhóm đó sử dụng một bộ khác để lừa kẻ máu mê mà thôi”.

Không chỉ “anh Quang cờ bạc bịp” bán hàng công khai, chỉ cần vào Facebook tìm kiếm từ khóa “cờ bạc bịp”, một loạt các tài khoản cá nhân công khai, ẩn danh sẽ xuất hiện các dòng chào mời: “Cung cấp dụng cụ đồ cờ bạc, xóc đĩa bịp công nghệ mới nhất toàn quốc”, “Cờ bạc bịp đồ chuẩn 100%”. Có nhóm Facebook “Cờ bạc bịp toàn cầu” có gần hai nghìn thành viên tham gia.

Trên Google, các trang web bán đồ chơi cờ bạc bịp như “Dungcucobacvip.com”, “Cobacbiphanoi.com”… hoạt động công khai. Nhiều video hướng dẫn sử dụng cho lên kênh Youtube để chào mời. Một kênh cá nhân mang tên “Cờ Bạc Bịp” thu hút hơn 3000 lượt người theo dõi, 484 video giới thiệu, thậm chí có video đạt mức người xem lên đến hơn 5,6 triệu người. Dụng cụ cờ bạc bịp được rao bán đa dạng, từ bài lá sâm, liêng, ba cây, phỏm, xì tố,... cho đến hình thức đánh bạc xóc đĩa.

Việc buôn bán dụng cụ đánh cờ bạc bịp công khai, tràn lan trên internet

Ngoài việc mua hàng trực tiếp, các đối tượng sẵn sàng bán trực tuyến, nhận tiền qua tài khoản hoặc thẻ nạp điện thoại. Nhiều người sau khi chuyển khoản, gửi mã thẻ cào điện thoại thì không thể liên lạc với người bán.

Nhiều vụ ẩu đả, tù tội và án mạng xảy ra

Tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của anh N, trú tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh N suốt ngày đó phải nhờ cậy nhiều người can thiệp để một nhóm thanh niên không đánh cậu em họ vì cậu này dùng bộ xóc đĩa gắn chíp, “ăn” gần hết tiền của nhóm thanh niên kia. “Tôi phải bảo cậu em trả lại hết tiền và xin lỗi nhóm thanh niên kia mới xong chuyện” – anh N nói.

Không may mắn như trường hợp nêu trên, nhiều trường hợp tù tội, thậm chí mất mạng do dụng cụ cờ bạc bịp đã xảy ra. Tháng 8/2014, Công an tỉnh Quảng Ninh từng bắt quả tang Bùi Đình Chung tàng trữ 4 bộ tú lơ khơ có chứa chất phóng xạ, nhiều phụ kiện kèm theo dùng để đánh bạc bịp. Kết quả giám định của cơ quan chuyên môn, 4 bộ bài này chứa chất phóng xạ, vượt từ 20-30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.

Đầu năm 2017, Phòng cảnh sát hình sự (PC 45 Hải Phòng), triệt phá thành công ổ nhóm cờ bạc dưới hình thức xóc đĩa, bắt 9 đối tượng, thu 120 triệu đồng cùng một số tang vật phục vụ việc chơi cờ bạc bịp.

Ngày 16/9, công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã bắt giữ hai đối tượng Phạm Hùng Cường ( SN 1989, trú quận Lê Chân, TP Hải Phòng) và Hà Huy Thuận (SN 1988, trú huyện Yên Bình, Yên Bái) trong vụ nổ xảy ra tại khu chung cư Linh Đàm khiến nhiều người bị thương do liên quan đến buôn bán dụng cụ đánh cờ bạc bịp. Các đối tượng khai mua thiết bị chơi cờ bạc bịp nhưng không sử dụng được. Đối tượng này không đòi được tiền của người bán nên cùng đồng bọn gửi một gói quà kèm kíp nổ cho người bán và gây ra vụ nổ.

Chỉ bị xử phạt hành chính

Luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Người buôn bán dụng cụ cờ bạc bịp có thể bị xử phạt theo Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Nhưng Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thì lại không nhắc tới dụng cụ đánh bạc nên khó khăn cho công tác xử lý. Cũng theo luật sư Kiên, theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội), hành vi sản xuất, mua bán các thiết bị cờ bạc bịp chỉ bị xử phạt hành chính.

“Hành vi đánh bạc bằng phương tiện công nghệ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền, tài sản có thể khép vào tội lừa đảo. Tuy nhiên, việc sản xuất, mua bán dụng cụ này thì lại khó có thể cấu thành tội lừa đảo. Đơn cử, nếu bắt quả tang được các đối tượng mua/bán dụng cụ chơi cờ bạc bịp nhưng không chứng minh được các đối tượng này dùng dụng cụ đó để lừa đảo cũng không thể xử lý.

Việc xử lý hình sự chỉ có thể thực hiện được khi cơ quan điều tra chứng minh được một đối tượng mua và sử dụng công cụ đánh bạc bịp để chiếm đoạt tiền của người khác với số tiền đủ để xử lý hình sự. Còn người bán rất khó xử lý hình sự.

Nhóm PV Bạn đọc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/buon-ban-do-choi-bac-bip-tran-lan-luat-khong-du-ran-de-1465039.tpo