Buổi tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Việt Nam đầu tiên được chuẩn bị thế nào?

Học viện Quân y cùng các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để ứng phó nếu không may xảy ra sự cố sau tiêm vacicne COVID-19 đầu tiên.

Sáng 17/12 tại buổi tiêm thử nghiệm Nanocovax - vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, hiện những trường hợp gặp biến chứng sau khi tiêm vaccine trên thế giới không nhiều. Hy vọng Nanocovax cũng như vậy.

Dù nguy cơ rất thấp nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên, Học viện Quân y chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện kể cả khi xảy ra tai biến sẽ xử lý được.

Công tác chuẩn bị tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Học viện Quân y.

Công tác chuẩn bị tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Học viện Quân y.

Chuẩn bị cho buổi tiêm thử nghiệm, Học viện Quân y trang bị hệ thống cơ sở vật chất về điện nước, điều hòa không khí. Đặc biệt, công tác cấp cứu, hồi sức cấp cứu cũng sẵn sàng khi có những phản ứng không mong muốn. Học viện cũng có sự hỗ trợ của 2 bệnh viện là Bệnh viện 103 và Viện Bỏng Quốc gia.

"Nếu coi COVID-19 là giặc thì bất cứ giai đoạn nào cũng phải chuẩn bị thật cẩn thận trước khi ra trận, đảm bảo đánh trận là phải thắng lợi", GS Quyết nói.

Trong giai đoạn thử nghiệm lần này, Học viện Quân y chỉ chọn khoảng 60 người độ tuổi 18 - 50 để tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax.

60 tình nguyện viên trên sẽ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên. Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg. Nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả những người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 người tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển người tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg.

Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vaccine trên 3 người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Theo đại diện Nanogen, nếu mọi việc diễn ra tốt, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vaccine. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vào vaccine vào tiêm chủng đại trà.

Ngoài ra, dựa trên công nghệ đang có, Nanogen có thể sản xuất lên tới 20 triệu liều vaccine trong một tháng.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/buoi-tiem-thu-nghiem-vaccine-covid-19-viet-nam-dau-tien-duoc-chuan-bi-the-nao-ar585857.html