Buổi tăng ca định mệnh của người cha trẻ kiếm tiền mua sữa cho 2 con

Tối 30-7, buổi tăng ca đầu tiên cũng là lần cuối cùng của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1968) và anh Đặng Đình Thắng (SN 1992, cùng trú xã Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội). Bà Thúy và anh Mạnh là hai trong 4 người tử vong trong vụ rơi từ tầng 7 khách sạn Hướng Dương xuống đất.

BUỔI TỐI ĐỊNH MỆNH CỦA HAI MẸ CON

Ngày 31-7, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội có văn bản báo cáo về vụ việc nhiều công nhân rơi từ tầng 7 khách sạn Hướng Dương, đường Nguyễn Công Trứ, P.Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Người thân nước mắt giàn giụa khi nói về tình cảnh gia đình anh Thắng.

Theo đó, công trình xây dựng trên do Công ty CP Du lịch Thương mại và Phát triển, là chủ đầu tư, Công ty Eurowindow là nhà thầu thi công vách ngăn kính và có ký hợp đồng với Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại An Nam là đơn vị thi công. Công ty An Nam thuê nhóm công nhân do bà Nguyễn Thị Luyến (SN 1973, ở Bài Trường, Chương Mỹ) để vận chuyển và thi công vách ngăn nhà vệ sinh.

Khách sạn Hướng Dương do Công ty CP Du lịch Thương mại và Phát triển là chủ đầu tư, vừa xảy ra tai nạn khiến 4 người thiệt mạng.

Khách sạn Hướng Dương do Công ty CP Du lịch Thương mại và Phát triển là chủ đầu tư, vừa xảy ra tai nạn khiến 4 người thiệt mạng.

Khoảng 19 giờ 55 phút ngày 30-7, bốn lao động do bà Nguyễn Thị Luyến làm đội trưởng thực hiện vận chuyển vách ngăn bằng sàn nâng người. Khi 4 công nhân gồm: Nguyễn Tiến Sơn, Nguyễn Thế Bồng, Nguyễn Thị Thúy và Đặng Đình Thắng (cả 4 đều trú tại huyện Chương Mỹ) mang một số vách ngăn ở trên sàn nâng người di chuyển đến tầng 7 thì sàn nâng người bị gãy làm 4 công nhân rời từ tầng 7 xuống đất, cả 4 người đều tử vong.

Bà Thúy và anh Thắng là hai mẹ con ở vùng quê huyện Chương Mỹ làm nghề tự do. Cuộc sống ở vùng quê nghèo ngoại thành khó khăn nên anh Thắng phải để lại hai con nhỏ ở quê cho vợ chăm sóc để ra nội thành kiếm cơm nuôi hai con nhỏ.

Bàn thờ lập vội của hai mẹ con tại quê nhà.

Anh Thắng là thanh niên không được lanh lẹ nên bà Thúy phải đi theo để phụ giúp và kèm cặp. Tối hôm xảy ra tai nạn, vợ anh là chị Cao Thị Nhung không ngờ cuộc gọi điện thoại của chồng cho chị và hai con nhỏ lại là cuộc gọi cuối cùng.

Anh Thắng điện về hỏi thăm, động viên vợ con và nói rằng đây là buổi tăng ca đầu tiên để kiếm thêm tiền mua sữa cho hai con nhỏ (một cháu lên 3 tuổi, cháu thứ hai mới 6 tháng tuổi). Không ngờ, đó là buổi tăng ca đầu tiên, cũng như là lần tăng ca cuối cùng của anh và người mẹ nghèo.

LÁ VÀNG NGỒI KHÓC LÁ XANH

Sau một ngày xảy ra tai nạn cướp đi sinh mạng của 4 công nhân, tại thôn An Thượng, xã Thượng Vực, nhiều người dân sắp xếp công việc đến thăm hỏi, chia buồn và động viên đối với gia đình bà Thúy và anh Thắng.

Cụ Hính, cụ Sỹ - những bậc sinh thành lớn tuổi ở trong nghịch cảnh "lá vàng ngồi khóc lá xanh".

Đám tang chiều 31-7 có nhiều người già và trẻ nhỏ. Một số trung tuổi và thanh niên tất bật lo hậu sự cho hai mẹ con xấu số. Còn vợ anh Thắng và số ít người ra trung tâm Hà Nội để đón anh và bà Thúy về với tổ tiên.

Bên bàn thờ lập vội của con gái và cháu ngoại, cụ ông Cao Văn Sỹ (bố đẻ bà Thúy) rưng rưng nước mắt không nói nên lời khi nhìn di ảnh những người trẻ hơn mình.

Cụ Sỹ bảo, suốt cả đêm cụ không chợp mắt vì thương con cháu còn trẻ mà ra đi trước. Cụ không ngờ lại có ngày “lá vàng ngồi khóc lá xanh” như ngày hôm nay.

“Tối hôm qua con dâu tôi báo tin dữ, tôi đau xót quá. Vì cuộc sống khó khăn và đứa cháu ngoại (anh Thắng) đầu óc không được bình thường nên con gái (tức mẹ anh Thắng) đi làm theo để vừa có việc, vừa trông con, vậy mà cả hai mẹ con nó cùng ra đi.

Hàng ngày cứ hết ca thì cả hai cùng về, không hiểu số phận thế nào mà hôm lại làm tăng ca, chắc thấy vợ con nheo nhóc ở nhà, nó phải cố thêm, ai ngờ... Nó đi, để lại 2 đứa con nhỏ cho vợ trẻ gồng gánh, thật đau xót”.

Buổi tăng ca đầu tiên với mong muốn có thêm tiền mua sữa cho con, cũng là buổi cuối cùng của anh Thắng, để lại đau thương và nước mắt cho người ở lại.

Ngồi cạnh cụ ông Cao Văn Sỹ là cụ bà Cao Thị Hính (90 tuổi, mẹ chồng bà Thúy) lặng thinh trong nước mắt. Đôi lúc cụ ngước nhìn hai chắt bé bỏng của mình trong vòng tay của người thân khi bố các cháu đã mãi mãi không trở về.

Cụ bảo, cụ từng này tuổi về với tổ tiên được rồi. Không ngờ, ngày hôm nay phải đau đớn chứng kiến con dâu và cháu nội mãi mãi ra đi. Cụ cứ nhìn hai chắt rồi lại quay đi lặng thinh trong nước mắt...

Bế cháu ngoại trên tay, bà Nguyễn Thị Phương nước mắt giàn giụa: “Cả 3 mẹ con nhà nó đều trông cậy vào thằng Thắng. Giờ nó mất, chẳng biết hai đứa nhỏ sẽ sống ra sao khi kinh tế gia đình khó khăn, mới xây cái nhà cố gắng vay mượn vẫn chưa trả hết, giờ tai họa lại ập đến.

Từ tối qua tới giờ, mẹ các cháu ra với bố, đứa nhỏ ở nhà khóc thét, cháu lớn cũng thường xuyên òa lên gọi bố”.

Cháu Đặng Diệu Anh gọi bố trong ánh mắt đỏ hoe của người dân đến thăm hỏi.

Căn phòng nhỏ nơi từng là chỗ ngủ của vợ chồng anh Thắng cùng hai con nhỏ hôm nay chật cứng người đến thăm. Nhiều người không cầm được nước mắt khi cháu Đặng Diệu Anh (hơn 3 tuổi, con gái anh Thắng) lâu lâu lại hỏi "bố cháu đâu rồi ạ?". Rồi cháu ngồi khóc trong ánh mắt đỏ hoe của người đến thăm hỏi.

Còn cháu Đặng Minh Khang (7 tháng tuổi) chưa thể cảm nhận nỗi đau mất bố, mất bà nội đôi lúc vẫn hay nhoẻn cười khi có người hỏi han...

Đoàn Tuấn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/buoi-tang-ca-dinh-menh-cua-ong-bo-tre-kiem-tien-mua-sua-cho-2-con-nho_96845.html