Bưởi đặc sản được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ

Sau một số năm thử nghiệm, năm 2019, thành phố đã bổ sung giống bưởi đỏ Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) vào cơ cấu giống bưởi của Hà Nội. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5343/QĐ-UBND ngày 30-11-2020 về 'Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025'.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội.

Trồng bưởi đỏ Tân Lạc đang được nhiều hộ dân tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) lựa chọn.

- Là đơn vị trực tiếp được ngành Nông nghiệp giao xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả của Hà Nội, trong đó có cây bưởi, bà có thể cho biết, trên cơ sở nào mà đơn vị chọn giống bưởi đỏ Tân Lạc vào cơ cấu giống bưởi của Hà Nội?

- Hiện nay, tổng diện tích bưởi của Hà Nội vào khoảng 7.500ha, diện tích cho thu hoạch hơn 6.200ha với 10 giống bưởi đặc sản chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây bưởi Diễn chiếm khoảng 60% diện tích, còn lại là các giống: Bưởi Tam Vân, bưởi đường Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ); bưởi thồ Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên); bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương (huyện Hoài Đức); bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng) và bưởi đỏ Tân Lạc…

Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, bưởi đỏ Tân Lạc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội, hiệu quả kinh tế tương đương bưởi Diễn - cho thu nhập từ 300 đến 700 triệu đồng/ha/năm tùy quy mô, phương pháp, thời gian canh tác... Ngoài ra, cây bưởi đỏ Tân Lạc còn đáp ứng tiêu chí rải vụ; tránh áp lực thị trường và góp phần đa dạng nguồn sản phẩm trái cây cho người tiêu dùng Thủ đô.

- Bà có thể cho biết rõ hơn về quá trình phát triển giống bưởi đỏ Tân Lạc trên địa bàn Thủ đô?

- Đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã bổ sung giống bưởi này vào cơ cấu giống bưởi của Hà Nội. Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ các vùng sản xuất mới và cải tạo vườn tạp thành những vườn bưởi chất lượng cao với mức hỗ trợ là 50% giống, 50% vật tư. Giống bưởi đỏ Tân Lạc do thành phố hỗ trợ hoàn toàn sạch bệnh và là giống đầu dòng, cây giống bảo đảm đúng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9302:2013.

Trung tâm đã chủ động phối hợp với các hợp tác xã, đơn vị cung ứng giống hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo đảm tỷ lệ cây sống trên 90%. Các vấn đề cụ thể từ công tác quản lý, kỹ thuật thiết kế vườn, nhận biết và phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản đã được đơn vị triển khai tới các vùng bưởi tập trung. Do đó công tác trồng mới, chăm sóc giống bưởi đỏ Tân Lạc của Hà Nội khá thuận lợi. Diện tích bưởi đỏ Tân Lạc tăng đều qua các năm, đến nay đã đạt 608ha.

- Hiệu quả kinh tế của bưởi đỏ Tân Lạc đã được chứng minh, tuy nhiên, giống bưởi này có thời gian bảo quản sau thu hoạch ngắn hơn so với các loại bưởi khác. Vậy, ngành Nông nghiệp sẽ khắc phục hạn chế này như thế nào, thưa bà?

- Đặc thù của giống bưởi đỏ Tân Lạc là rất sai quả. Có những cây đạt tới vài ba trăm quả, thậm chí cả nghìn quả. Khi bưởi chín, vỏ chuyển sang màu vàng, tôm có màu đỏ, mọng nước, đậm vị ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc bảo quản bưởi đỏ Tân Lạc thường không được lâu như bưởi Diễn và một số giống bưởi khác. Do đó, đơn vị đã triển khai thí điểm việc bảo quản bưởi đỏ Tân Lạc và một số loại bưởi khác tại Trạm thực nghiệm cây trồng của đơn vị bằng chế phẩm sáp ong (Palmitomilixilic) và sáp Polyethylene hay còn gọi là phương pháp bảo quản tạo màng. Kết quả sau 50 ngày bảo quản bưởi đỏ Tân Lạc, tỷ lệ hao hụt khối lượng là 3,8%; độ ngọt (brix) của quả tăng; giữ được màu sắc, chất lượng kéo dài hơn so với sản phẩm bưởi đối chứng khoảng 60 ngày, mẫu mã đẹp.

- Vậy thời gian tới, việc phát triển, mở rộng bưởi đỏ Tân Lạc cũng như các giống bưởi đặc sản khác trên địa bàn thành phố thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng cung lớn hơn cầu, thưa bà?

- Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, trồng mới 200ha bưởi bằng các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ; 100% diện tích trồng bưởi theo hướng an toàn, trong đó 30-40% diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Thành phố sẽ xây dựng từ 2 đến 3 cơ sở trồng bưởi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và duy trì từ 3 nhãn hiệu tập thể trở lên, cấp từ 2 đến 3 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng trồng bưởi tập trung.

Dự kiến kinh phí thực hiện “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025” của thành phố gần 246 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ gần 84,5 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân.

Do được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc nên bưởi đỏ Tân Lạc nói riêng, bưởi đặc sản của Hà Nội nói chung đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ trái cây an toàn đứng ra thu mua.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây bưởi, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch; hỗ trợ phát triển, thành lập các hợp tác xã trồng bưởi; đồng thời, chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả có múi nói chung và vùng trồng bưởi nói riêng, như: Hạ tầng giao thông; hệ thống thủy lợi; chợ, các điểm thu mua nông sản; tăng cường tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị lớn…

- Trân trọng cảm ơn bà!

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/985152/buoi-dac-san-duoc-nhieu-doanh-nghiep-tieu-thu