Bưởi, cam Hà Nội giá rẻ vẫn khó tiêu thụ

Hà Nội hiện có khoảng 10.000ha bưởi, cam cho thu hoạch với sản lượng trên dưới 100.000 tấn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thị trường bão hòa nên giá bưởi, cam giảm tương đối mạnh. Việc tiêu thụ cũng khá chậm so với những năm trước.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, niên vụ 2021 - 2022 có gần 10.000ha bưởi, cam cho thu hoạch với sản lượng khoảng 100.000 tấn. Nếu như những năm trước nông dân chủ động được đầu ra, tiêu thụ thuận lợi thì năm nay tại các vùng bưởi, cam canh tác tập trung đều trong cảnh tiêu thụ khó khăn hoặc tiêu thụ với giá rẻ.

Bưởi Diễn được bảo quản trong kho chờ tiêu thụ. Ảnh: Ánh Ngọc

Bưởi Diễn được bảo quản trong kho chờ tiêu thụ. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo phản ánh của nhiều hộ trồng, giá bưởi, cam năm nay tiếp tục đà giảm so với năm 2020 và việc tiêu thụ cũng rất nhỏ giọt.

Năm nay, ông Trần Văn Bình, ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) thu hoạch được 100 tấn quả từ 700 gốc cam (500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam Canh). Ông Bình chia sẻ: “Nếu như những năm trước, tấp nập thương lái đến thăm vườn, đặt hàng từ tháng 10 âm lịch thì năm nay chúng tôi phải “đỏ mắt” chờ thương lái. Trong khi đó giá bán cũng giảm tới 1 nửa so với mọi năm từ 45.000 đồng/kg xuống còn 20.000 - 22.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng”.

Còn với anh Nguyễn Văn Năm, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), vụ bưởi năm nay chỉ cầm hòa. Bởi vườn bưởi Diễn 17 năm tuổi cho thu hoạch 3 vạn quả với chất lượng ngon, mã đẹp cũng chỉ bán được giá từ 15.000 - 18.000 đồng/quả, giảm 30% giá bán so với cùng kỳ năm ngoái và đến thời điểm này mới tiêu thụ được hơn một nửa sản lượng.

Giá bưởi, cam tại thị trường Hà Nội giảm đáng kể so với những năm trước. Ảnh minh họa

Lý giải về nguyên nhân bưởi, cam rớt giá, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, thực tế nhiều vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn TP chưa được, hoặc chưa đủ điều kiện được hỗ trợ kỹ thuật. Trong khi đó nhiều vùng trồng còn manh mún, phân tán nên việc đầu tư, bảo quản chất lượng, bao tiêu sản phẩm còn gặp khó khăn; quy trình canh tác chưa đồng bộ dẫn đến quy cách sản phẩm không đồng đều; việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách dẫn đến tỷ lệ sản phẩm bị hư hỏng cao (25 - 30%).

Đáng nói, tình trạng thiếu những đầu mối thu mua tập trung có đủ năng lực sơ chế, đóng gói và phân phối sản phẩm là rào cản lớn trong kết nối, tiêu thụ. Mặt khác, vùng cây ăn quả của Hà Nội chịu áp lực rất lớn từ nguồn cung trái cây ở các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên... cũng trùng vụ thu hoạch rộ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nhận định rõ sản phẩm bưởi, cam hiện nay ở phía Bắc đang bão hòa với nhu cầu nội địa, do đó chủ trương của Hà Nội là không tăng diện tích cây ăn quả có múi và trong nội bộ nhóm cây sẽ dịch chuyển cơ cấu.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, trước mắt, ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ các vùng trồng gắn sản xuất theo chuỗi, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời khuyến khích nông dân, hợp tác xã đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng nông sản để chinh phục thị trường. Về lâu dài, cần nâng cao vai trò, năng lực, chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong mối liên kết giữa nông dân, DN; thu hút DN đầu tư vào chế biến sâu, gắn với thương mại chuyên nghiệp.

Ánh Ngọc -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/buoi-cam-ha-noi-gia-re-van-kho-tieu-thu.html