Bước trưởng thành về phẩm chất, năng lực của sĩ quan biệt phái

Thực hiện Nghị định số 165/2003/NĐ-CP, ngày 22-12-2003 của Chính phủ về biệt phái sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sự phối hợp giữa đơn vị cử đi và cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái (SQBP) ngày càng chặt chẽ, nền nếp. Đội ngũ SQBP có bước trưởng thành khá toàn diện về phẩm chất, năng lực trách nhiệm và phương pháp, tác phong công tác…

Khẳng định phẩm chất, năng lực của sĩ quan biệt phái

Theo thống kê của Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị), hiện số SQBP thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các đầu mối thuộc ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đạt 99,02% so với nhu cầu. Nhìn chung, đội ngũ SQBP có bước trưởng thành khá toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, nhất là các đồng chí biệt phái ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương… So với năm 2015, số SQBP hiện tại có trình độ đại học trở lên đạt 97,81% (tăng 5,71%).

Một trong những điểm nổi bật là sự phối hợp giữa đơn vị cử đi biệt phái và cơ quan sử dụng SQBP ngày càng chặt chẽ, nền nếp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho SQBP được chú trọng. Theo đó, đội ngũ SQBP đều khẳng định tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu đề xuất với lãnh đạo các cơ quan, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về quốc phòng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đội ngũ SQBP đã tích cực nghiên cứu, tham gia thẩm định các nghị quyết, dự án luật, nghị định, đề án… thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng; các nội dung về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của từng vùng và trên phạm vi cả nước; các chủ trương gắn phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN)... trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đội ngũ SQBP ở cơ quan Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trọng điểm cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo sở thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy môn Giáo dục QPAN tại các nhà trường, góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Một buổi huấn luyện kiến thức QP-AN cho sinh viên ở Trung tâm Giáo dục QP-AN (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Hồng Kỳ, Phó vụ trưởng Vụ QPAN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: "Hiện nay, 100% SQBP của vụ có trình độ đại học trở lên, trong đó nhiều đồng chí đã qua đào tạo chỉ huy tham mưu chiến dịch, chiến lược tại Học viện Quốc phòng. Cơ bản đội ngũ này đều có năng lực tư duy và tầm bao quát ở cấp chiến lược, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công". Thiếu tướng Lê Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị), cho biết: "Trước khi sĩ quan nhận nhiệm vụ biệt phái, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tiến hành bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cần thiết về đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan nơi sĩ quan đến biệt phái, nhằm giúp mỗi người xác định tốt nhiệm vụ, nhanh chóng hòa nhập với môi trường công tác mới. Đối với các cơ quan sử dụng SQBP, đã chủ động, tích cực bồi dưỡng, tập huấn bổ sung những kiến thức cần thiết thuộc lĩnh vực, chức danh công tác mà đội ngũ này đảm nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho SQBP sớm tiếp cận công việc, nhanh chóng thích nghi với môi trường, nhiệm vụ mới".

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Công tác biệt phái sĩ quan thời gian qua thu được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần giải quyết để tiếp tục nâng cao chất lượng đối với mặt công tác này. Thực tế, vẫn còn đơn vị chậm điều động thay thế SQBP hết thời hạn. Công tác phối hợp trong quản lý, rèn luyện toàn diện SQBP có lúc chưa chặt chẽ. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ SQBP ở một số đơn vị được chưa thường xuyên, nội dung tập huấn chưa phù hợp với từng đối tượng. Vẫn còn hiện tượng đơn giản trong việc cử SQBP làm giáo viên, giảng viên môn Giáo dục QPAN dẫn đến một số sĩ quan chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn và nghiệp vụ sư phạm theo quy định…

Ở một góc độ khác, Đại tá Hoàng Văn Tòng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng-An ninh (GDQP-AN), Bộ GD&ĐT, cho rằng: Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP-AN tuy đã được triển khai nhưng tiến độ còn chậm. Việc bố trí, sắp xếp số học viên tốt nghiệp đào tạo giáo viên GDQP-AN vào các trung tâm, khoa, bộ môn GDQP-AN thuộc các cơ sở giáo dục đại học để từng bước thay thế đội ngũ SQBP chưa được nhiều. Trong khi đó, lưu lượng sinh viên các trường ngày càng lớn, làm tăng đột biến số giờ giảng dạy, khiến đội ngũ SQBP không có thời gian nghiên cứu khoa học, tự học nâng cao trình độ. Một bất cập nữa là nghị định của Chính phủ quy định thời hạn biệt phái của sĩ quan là 5 năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian này là không đủ để một SQBP nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì vậy, để phù hợp với tình hình thực tế thì thời gian biệt phái của sĩ quan cần phải tăng thêm. Việc sắp xếp, bố trí số sĩ quan sau khi hết thời hạn biệt phái cũng cần nghiên cứu cho hợp lý để tránh ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ... Những vướng mắc nêu trên rất cần được các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội nghiên cứu giải quyết, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của SQBP.

NGÔ DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/buoc-truong-thanh-ve-pham-chat-nang-luc-cua-si-quan-biet-phai-557735