Chuyển đổi số sẽ là mục tiêu đột phá để kinh tế tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực là trên 10%. Đó là một trong những điểm đột phá và là một trong những mũi nhọn quan trọng nhất để các nước đang phát triển có thu nhập trung bình như Việt Nam có thể đuổi kịp các nước khác, thoát bẫy thu nhập trung bình.

PV: Chính phủ vừa có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Xin ông cho một vài bình luận về chương trình hành động này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đây là chương trình hành động, còn những tinh thần tư tưởng cơ bản, mục tiêu đã được thể hiện, quán triệt trong Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, trong các nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch và chiến lược phát triển 5 năm và 10 năm tới như Nghị quyết số 01, Nghị quyết 02 về chiến lược phát triển kinh tế và kế hoạch kinh tế 5 năm 2021-2025.

TS. Nguyễn Minh Phong

Điểm mới quan trọng nhất trong các văn bản này là cập nhật thêm nội dung về thúc đẩy cơ cấu theo hướng thích ứng nhiều hơn với dịch bệnh, đồng thời cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, giải pháp chi tiết cho từng ngành, từng đơn vị với thời gian cụ thể, rõ ràng. Tất cả những điều đó là cần thiết và tích cực, thể hiện sự thống nhất trong quản lý nhà nước, đồng thời thể hiện tính cụ thể hóa trong hành động.

PV: Ông nghĩ thế nào về những mục tiêu mà Chính phủ đưa ra? Với tình hình Việt Nam hiện tại, ông có cho rằng đó là những mục tiêu tham vọng?

TS. Nguyễn Minh Phong: Như đã nói, những mục tiêu trên đã nằm trong kế hoạch, tôi cho rằng không quá tham vọng. Hơn nữa, thêm một chút tham vọng cũng là tốt để tạo động lực phát triển, động lực phấn đấu. Điều cần lưu ý là nên có các kịch bản tốt nhất, kịch bản trung bình và kịch bản xấu, gắn với tình hình diễn biến của dịch bệnh và bối cảnh địa chính trị thế giới thay đổi để dễ thích ứng. Còn nếu ở mức độ giả định tất cả những điều kiện trên ổn định, thuận lợi thì mục tiêu đó là hoàn toàn khả thi.

PV: Trong những mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ông ấn tượng mục tiêu nào nhất?

Kinh tế sẽ tăng trưởng thực chất, nâng cao sức cạnh tranh

Nghị quyết 54/2022/NQ-CP đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi ấn tượng nhất là về chuyển đổi số. Chính phủ đặt ra mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực là trên 10%. Đó là một trong những điểm đột phá và là một trong những mũi nhọn quan trọng nhất để các nước đang phát triển có thu nhập trung bình như Việt Nam có thể đuổi kịp các nước khác, thoát bẫy thu nhập trung bình. Về chuyển đổi số, nếu làm tốt thì cả doanh nghiệp và đất nước đều có lợi.

Trong Nghị quyết 54, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào chuyển đổi số của Nhà nước chứ không chỉ là doanh nghiệp, bởi chuyển đổi số không phải chỉ là việc của một nhóm bộ phận doanh nghiệp mà phải của tổng thể nền kinh tế trên cơ sở hạ tầng tốt, pháp luật tốt và hành chính công tốt.

Bên cạnh đó là vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP lên khoảng 55%.

Khối kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh và đóng góp lớn vào tăng trưởng của đất nước. Đặt ra mục tiêu trên yêu cầu trong tư duy nhận thức của quản lý, tư duy pháp luật phải đổi mới hơn nữa trên cơ sở bám sát mô tả và nhận diện đúng vị thế, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, qua đó mới phát huy được sức mạnh của khối kinh tế này, tạo nên sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.

PV: Chương trình hành động đã có, vậy theo ông, cần lưu ý những gì để chúng ta có thể thực hiện tốt đề án tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025?

TS. Nguyễn Minh Phong: Cũng giống như các chương trình khác, sau khi đã có chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành cần quán triệt, cụ thể hóa thành các chương trình hành động của ngành mình, địa phương mình, thậm chí của đơn vị, doanh nghiệp mình, của các cấp cụ thể trong theo phân cấp quản lý để thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có những hoạt động cụ thể hỗ trợ chung, ví dụ như tạo big data (dữ liệu lớn) càng sớm càng tốt, đẩy mạnh truyền thông tới các bộ, ngành cả nước.

Tiếp đó là vấn đề đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin phải thật tốt. Đồng thời, các quy định mà cấp trung ương đã quy định thì cấp dưới phải quán triệt không được làm trái, làm ngược. Mặc dù vẫn có phân cấp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng những gì thuộc về nguyên tắc thì phải giữ và Nhà nước phải là người quản lý điều đó. Cuối cùng là công tác thanh tra kiểm tra, định rõ trách nhiệm nhiệm vụ, các chế tài xử lý tất cả đều phải rất minh bạch, kịp thời và nghiêm minh. Đó là những nguyên tắc quan trọng nhất để thực hiện chương trình này thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tập trung cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước

Tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu đặt ra tại nghị quyết. Theo đó, nhiệm vụ thứ nhất là tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cơ cấu lại đầu tư công, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN 4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công.

Đồng thời nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.

Về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; rà soát tình hình thực hiện và xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét; nghiên cứu xây dựng các chính sách tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển.

Thảo Miên (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-doi-so-se-la-muc-tieu-dot-pha-de-kinh-te-tang-truong-103954.html