Bước tiến trong công nghệ vệ tinh

Ngày 18-1 vừa qua, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được phóng lên quỹ đạo tại Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng để tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, viễn thông của Việt Nam, phục vụ thương mại. Ðể phát triển công nghệ vệ tinh, cần tiếp tục có những chính sách cụ thể, kịp thời.

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang lắp ráp, tích hợp vệ tinh MicroDragon. Ảnh: NGUYỄN MAI

Trước ngày lên đường sang Nhật Bản thực hiện phối hợp phóng vệ tinh với các chuyên gia Nhật Bản, TS Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế hệ thống không gian, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đồng thời phụ trách quản lý chất lượng, tiến độ dự án thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDragon cho biết, Nhật Bản hỗ trợ phóng vệ tinh là thực hiện khâu cuối cùng để triển khai kết quả chế tạo vệ tinh. Ðây cũng là cơ hội để các kỹ sư Việt Nam học cách đưa vệ tinh lên quỹ đạo, điều khiển, lắp đặt đưa vệ tinh về trạng thái làm việc ngoài không gian. Vệ tinh là sản phẩm khoa học cao, chế tạo thành công, vượt qua các vòng kiểm định, đánh giá là đã thành công, nhưng nếu không phóng lên quỹ đạo thì chưa thể nói là hoàn thiện. Các kỹ sư Việt Nam cùng các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản đang trực tại trạm mặt đất tại Nhật Bản để điều khiển, lắp đặt vệ tinh về trạng thái làm việc, gồm: chụp ảnh, thu nhận, truyền tín hiệu từ vệ tinh. Quy trình này mất khoảng từ hai đến ba tháng. Các tín hiệu có thể kết nối về Việt Nam nhưng để làm được, cần có nguồn kinh phí.

Năng lực sản xuất vệ tinh thể hiện ở nhiều mức gồm: Nghiên cứu chức năng; thiết kế hệ thống; thiết kế chi tiết, lựa chọn thiết bị; xây dựng hợp phần vận hành, khai thác; đào tạo… Ở vệ tinh này, các chuyên gia Việt Nam đã nghiên cứu chức năng, thiết kế hệ thống và lựa chọn thiết bị, lắp đặt, lập trình… Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh mầu nước vùng biển ven bờ của Việt Nam để đánh giá chất lượng, thành phần nước biển, phục vụ ngành đánh bắt thủy sản. Nhóm nghiên cứu đã phối hợp các nhà nghiên cứu chuyên ngành ở Việt Nam, đề ra yêu cầu vệ tinh phải chụp được ảnh ở 14 giải phổ để ảnh có đủ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyên ngành và đặt hàng các công ty Nhật Bản cung cấp linh kiện theo yêu cầu. Cuối cùng, nhóm tích hợp các linh kiện, thiết bị để hoàn thiện, lập trình, điều khiển vệ tinh. TS Lê Xuân Huy cho biết, các giáo sư ở Nhật Bản cũng không làm sâu đến thiết kế chi tiết, chỉ quan tâm yêu cầu của vệ tinh là gì và làm thế nào để lập trình được yêu cầu đó. Ðiều quan trọng sau khi chế tạo thành công vệ tinh, là xây dựng được đội ngũ chuyên gia về công nghệ thiết kế chế tạo vệ tinh, trên cơ sở đó phát triển khoa học ứng dụng với việc làm chủ công nghệ ở tất cả các khâu, từ phân tích yêu cầu của vệ tinh, thu thập các yêu cầu của ngành liên quan, đến thiết kế nhiệm vụ vệ tinh, yêu cầu linh kiện và lắp ráp, tích hợp để hoàn thành chức năng vệ tinh, chế tạo hệ thống mặt đất. Mặc dù có sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản và các công ty Nhật Bản cung cấp linh kiện, thiết bị, nhưng thành công vừa qua thể hiện sự chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, vận hành, khai thác vệ tinh của một tập thể chuyên gia, kỹ sư Việt Nam. Nếu có công nghệ phụ trợ và kinh phí thì việc phát triển chùm vệ tinh của Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã được phóng và hoạt động tương đối ổn định ba tháng trên vũ trụ. Việc thiết kế, chế tạo thành công vệ tinh 50 kg vừa qua cũng là bước chuẩn bị để tiếp cận những kỹ thuật thiết kế, chế tạo vệ tinh phức tạp hơn trong thời gian tới.

Theo PGS,TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, cần có thông tin từ ảnh vệ tinh. Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài. Ngày 15-1-2018, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng hoàn thiện chính sách và định hướng ưu tiên phát triển đối với các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, trong đó có vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ. Vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ cũng là một trong những ngành ưu tiên trong phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại buổi gặp mặt, biểu dương các kỹ sư trẻ chế tạo vệ tinh MicroDragon vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng khát vọng nghiên cứu sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học trẻ, để công nghệ vũ trụ có bước phát triển hơn nữa.

Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ (cỡ 500 kg), tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất... Tuy mục tiêu không thể đạt được, nhưng đã có lộ trình để tiệm cận mục tiêu nêu trên, đó là phóng vệ tinh NanoDragon (khối lượng 10 kg) vào năm 2020; tiến tới chế tạo vệ tinh quan sát trái đất thương mại cỡ 500 kg có giá trị cao (LOTUSat-1 và LOTUSat-2). LOTUSat-2 sẽ được các nhà khoa học Việt Nam thiết kế, chế tạo tại Việt Nam. Ðể hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, kịp thời cho ngành công nghệ vũ trụ, nhất là về kinh phí, trên cơ sở đó, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về chế tạo vệ tinh đã được đào tạo và cơ sở vật chất đã đầu tư thời gian qua.

Hà Linh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/39031602-buoc-tien-trong-cong-nghe-ve-tinh.html