Bước tiến mới về nghiên cứu thiên thạch

Xuất phát từ tàu vũ trụ Hayabusa-2 của Nhật Bản, 2 robot thám hiểm tự hành Rover 1A và Rover 1B đang hướng đến bề mặt một thiên thạch có đường kính khoảng 1 km, gọi là Ryugu và hiện cách trái đất 300 triệu km.

Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết họ có thể biết liệu 2 robot có đáp thành công xuống Ryugu hay không trong ngày 22-9. Theo đài BBC, nếu suôn sẻ, Hayabusa-2 sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên đạt được bước đột phá về nghiên cứu thiên thạch.

Ảnh chụp thiên thạch Ryugu từ độ cao 6 km. Ảnh: HAYABUSA-2 PROJECT

Rover 1A và Rover 1B, mỗi robot nặng 1 kg, sẽ di chuyển để chụp bề mặt thiên thạch và đo nhiệt độ ở đó. Dữ liệu từ 2 robot tự hành sẽ được tàu mẹ Hayabusa-2 chuyển về cho trái đất.

Hayabusa-2 đã bay đến thiên thạch Ryugu hồi tháng 6 năm nay sau hành trình kéo dài 3 năm rưỡi. Ryugu thuộc về một loại thiên thạch nguyên thủy, là một di tích còn sót lại từ thuở sơ khai của hệ mặt trời. Vì thế, việc nghiên cứu nó có thể làm sáng tỏ nguồn gốc và sự tiến hóa của hành tinh chúng ta.

Đến cuối tháng 10, đích thân Hayabusa-2 đáp xuống đến bề mặt Ryugu để thu thập mẫu đất và đá. Đi xa hơn, JAXA có kế hoạch gây ra một vụ nổ nhằm tạo một hố sâu trên bề mặt Ryugu. Sau đó, Hayabusa-2 sẽ vào bên trong hố để thu thập loại đá chưa hề bị môi trường vũ trụ làm thay đổi.

Nếu thành công, những mẫu đá này sẽ được đưa về trái đất để nghiên cứu. Con tàu dự kiến rời khỏi Ryugu vào tháng 12-2019 và trở về trái đất trong năm 2020.

Lục San

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/buoc-tien-moi-ve-nghien-cuu-thien-thach-20180921212412124.htm