Bước tiến mới trong quan hệ Pháp - Nhật

Trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ khi nhậm chức, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, đồng thời công bố lộ trình hợp tác 5 năm về nhiều vấn đề, từ thương mại toàn cầu tới biến đổi khí hậu (BĐKH)...

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm hai ngày (từ 26 đến 27-6) tới Nhật Bản trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra từ ngày hôm nay đến 29-6 tại thành phố Osaka (Nhật Bản). Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran không ngừng leo thang, giới phân tích nhận định, việc Tổng thống Pháp đến Tokyo gặp Thủ tướng Nhật Bản hai ngày trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 là cơ hội để hình thành liên minh “hòa giải” căng thẳng giữa Washington và Tehran. Bởi vì, cả Paris và Tokyo đều cho rằng căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy xung đột mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường quan hệ phòng thủ hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Pháp và Nhật Bản đã công bố lộ trình hợp tác 5 năm về nhiều vấn đề, từ thương mại toàn cầu tới BĐKH. Theo lộ trình này, từ nay đến năm 2023, hai nước sẽ hợp tác về nhiều vấn đề, như: An ninh, phát triển cơ sở hạ tầng, vũ trụ, an ninh mạng và các lĩnh vực khác. Theo Thủ tướng Shinzo Abe, việc đưa các đại dương rộng lớn trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương trở thành một khu vực tự do và mở cửa cũng như đóng vai trò nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới là thách thức lớn đối với Nhật Bản và Pháp. Trong khi đó, giới chức Nhật Bản cho biết, Tokyo và Paris đang tìm cách tăng cường an ninh hàng hải, hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP.

Trong năm 2019, Pháp và Nhật Bản có cùng điểm chung khi đều là nước chủ nhà của hai hội nghị quốc tế quan trọng. Trong khi Nhật Bản chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 thì Pháp là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 8 tới. Đối với cả hai nước, đây là cơ hội để khẳng định tầm ảnh hưởng và vai trò trên trường quốc tế. Cùng chung quan điểm về những vấn đề mang tính toàn cầu, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để hướng tới sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng như Hội nghị thượng đỉnh G7 tới đây.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron diễn ra chỉ hai tháng sau chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí thắt chặt hơn nữa hợp tác song phương nhằm giải quyết những vấn đề thương mại và toàn cầu. Khi đó, nhà lãnh đạo Pháp đã bày tỏ mong muốn về một sự hợp tác an ninh cụ thể và rõ ràng hơn nữa trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo The Diplomat, chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Pháp-Nhật trên các lĩnh vực, qua đó tăng cường quan hệ song phương giữa Paris và Tokyo. The Diplomat nhận định, Paris và Tokyo có chung một tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu có lợi ích chủ quyền trực tiếp và có vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là một trong những cơ sở để Pháp tăng cường trao đổi, hợp tác với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Nhật Bản giúp lãnh đạo hai nước cùng nhau đưa ra giải pháp hiệu quả đối với các chủ đề “nóng” được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng giữa Mỹ và Iran, những khó khăn trong việc thực hiện các cam kết trong cuộc chiến chống BĐKH. Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng chính là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Pháp và Nhật Bản thể hiện rõ hơn sự thống nhất về quan điểm, nhất là trong lĩnh vực an ninh, cách giải quyết vấn đề bất bình đẳng, chống BĐKH và thương mại quốc tế.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/buoc-tien-moi-trong-quan-he-phap-nhat-580984