Bước tiến mới trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2018 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 15-21/9/2018. Đây là hoạt động chuyên môn sâu của đội ngũ các nhà giáo dạy nghề, cũng là dịp để các nhà giáo giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề.

Tăng về quy mô, đổi mới về chất lượng

Theo Tổng cục GDNN, đây là Hội giảng đầu tiên thực hiện Luật GDNN, quy mô lớn hơn, số ngành nghề thi tăng, có một số ngành, nghề mới được bổ sung nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp ở nước ta.

Cô Trần Thị Thỏa - Khoa Kỹ thuật chế biến món ăn Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh và các học trò ôn luyện bài dự thi. Ảnh: Thái Bình

Theo Ban Tổ chức, Hội giảng năm 2018 có 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký tham gia. Số đoàn tham dự nhiều hơn Hội giảng năm 2012 và 2015; và có 2 trong tổng số 7 tỉnh còn lại cử đoàn quan sát viên tham gia học hỏi kinh nghiệm.

Về giáo viên, có 373 nhà giáo thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước có bài dự thi. Trong đó, nhà giáo nữ 170 người, chiếm 45,57%, cao hơn 19,72% so với năm 2015; nhà giáo nam là 203 người, chiếm 54,43%. Đoàn TP Hà Nội có số bài giảng nhiều nhất với 29 bài, tiếp theo là đoàn TP Hồ Chí Minh với 23 bài; các đoàn địa phương còn lại từ 4-10 bài.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, quy mô giáo viên, giảng viên và cơ cấu bài giảng tham gia Hội giảng lần này cho thấy đội ngũ nhà giáo đã có những bước chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, chất lượng.

Ngoài những hoạt động chính, Hội giảng còn tổ chức một số hoạt động chuyên môn khác như: Trưng bày, triển lãm thiết bị giáo dục nghề nghiệp của các doanh nghiệp; tổ chức 3 Hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN; giao lưu trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn tham quan du lịch... Đây được coi là cơ hội cho các nhà quản lý, các cơ sở GDNN, giáo viên, giảng viên dạy nghề trên toàn quốc có dịp lựa chọn thiết bị, doanh nghiệp có uy tín cung cấp thiết bị dạy nghề phù hợp với chương trình đào tạo.

Ban Tổ chức Hội giảng cho biết, căn cứ quy định tại Quyết định số 1161/2004/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định Hội giảng nhà giáo dạy nghề, Hội giảng nhà giáo dạy nghề toàn quốc (nay là Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc), nhà giáo tham gia Hội giảng phải thực hiện trình giảng 1 bài (lý thuyết hoặc thực hành) và kiểm tra nhận thức, xử lý tình huống sư phạm.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các kỳ Hội giảng trước, Hội giảng 2018 sẽ không tiến hành kiểm tra nhận thức, xử lý tình huống sư phạm riêng mà sẽ lồng ghép vào trong từng bài giảng để việc đánh giá mang tính toàn diện và tập trung thời gian cho nhà giáo thực hiện trình giảng.

Hội giảng năm 2018 sẽ có 373 nhà giáo thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước có bài dự thi. Ảnh: Thái Bình

Đồng thời, để nâng cao năng lực giảng dạy tích hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo hướng tiếp cận năng lực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hội giảng 2018 sẽ tập trung đánh giá kỹ năng thực hiện tất cả ba loại giáo án (lý thuyết, thực hành, tích hợp).

Tổng cục GDNN cho biết, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 có một số điểm mới, đó là: Không giới hạn số nghề đăng ký dự thi; nhà giáo tham gia Hội giảng chỉ thực hiện trình giảng, không kiểm tra nhận thức và xử lý tình huống sư phạm; việc đánh giá bài giảng được thực hiện ngay sau khi nhà giáo hoàn thành phần trình giảng; các địa phương cử nhà giáo tham gia Hội giảng chịu trách nhiệm chuẩn bị nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho bài giảng của nhà giáo trong đoàn. Riêng các máy móc, thiết bị nặng, kích thước lớn của một số nghề phổ biến sẽ do Ban Tổ chức chuẩn bị.

Cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo

Theo Ban Tổ chức, Hội giảng lần này dự kiến có gần 1.700 thầy, cô giáo, lãnh đạo của các địa phương và cơ sở GDNN về dự để cổ vũ, động viên và học tập kinh nghiệm.

Khẳng định đây là một hoạt động thường niên giúp cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN đánh giá được năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ nhà giáo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho rằng: Hội giảng năm 2018 được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích, động viên nhà giáo học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ.

Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc nhắm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, động viên nhà giáo học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ. Ảnh: TCGDNN

Đặc biệt, Hội giảng sẽ khuyến khích nhà giáo phấn đấu có đủ năng lực dạy học tích hợp, áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp, kỹ năng giảng dạy theo năng lực thực hiện, đáp ứng yêu cầu đào tạo theo năng lực thực hiện.

“Hội giảng 2018 thành công sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong thi đua dạy tốt ở các cấp, là một hoạt động có tính chuyên môn sâu sắc, có tính phong trào rộng khắp nhằm tiếp tục đánh giá và phân loại năng lực giảng dạy của nhà giáo GDNN. Thông qua Hội giảng, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên nòng cốt cho phong trào thi đua dạy tốt, cũng như tìm ra những điểm yếu còn tồn tại trong đội ngũ để hoàn thiện hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN đến năm 2025 ở cả 3 cấp trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng của doanh nghiệp và thị trường lao động, thích ứng linh hoạt với nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0”, PGS.TS Cao Văn Sâm khẳng định.

Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc sẽ khai mạc sáng 15/9 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, TP Hà Nội. Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm/1 lần. Đây là kỳ Hội giảng thứ bảy kể từ ngày Tổng cục GDNN tái thành lập năm 1998.

Hội giảng được tổ chức nhằm mục tiêu: Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt; khuyến khích nhà giáo GDNN học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phấn đấu có đủ năng lực dạy học tích hợp đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo năng lực thực hiện; phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học có hiệu quả cao; đánh giá năng lực giảng dạy thực chất của đội ngũ nhà giáo GDNN, trên cơ sở đó giúp các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/buoc-tien-moi-trong-hoi-giang-nha-giao-giao-duc-nghe-nghiep-nam-2018-79711.html