Bước tiến mới trong cắt giảm thủ tục quản lý chuyên ngành

Theo kế hoạch, các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có 6 nghị định, 1 quyết định và 21 thông tư) để đơn giản, cắt giảm khoảng 6.000/hơn 9.900 dòng hàng và 74 thủ tục.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc. Ảnh: N.Linh.

Kết quả khả quan

Trong báo cáo mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho thấy, đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản quy phạm pháp luật, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 6.800/hơn 9.900 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) (tương đương 68,2%, đạt 136,5% vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng; Bộ Khoa học và Công nghệ đơn giản hóa, cắt giảm 22/24 dòng hàng; Bộ Công Thương đơn giản, cắt giảm 402/702 dòng hàng; Bộ Xây dựng đơn giản, cắt giảm 33/64 dòng hàng; Bộ Giao thông vận tải đơn giản, cắt giảm 80/134 dòng hàng và 7 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 38/74 dòng hàng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cắt giảm, đơn giản 51/171 dòng và và 9/10 thủ tục hành chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đơn giản, cắt giảm 5.898 dòng hàng; Bộ Y tế bãi bỏ 1 mặt hàng với 5 dòng hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm phải KTCN; 810 dòng hàng của 4 mặt hàng còn lại đã áp dụng theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải KTCN).

Như vậy, theo kế hoạch, hiện còn 7 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động KTCN chưa được ban hành, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường 3 nghị định (hiện bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ); Bộ Y tế 1 thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 thông tư, Bộ Công an 1 thông tư.

Đã trình ban hành 22 văn bản về điều kiện kinh doanh

Về cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, theo kế hoạch các bộ, cơ quan có ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền ban hành 70 văn bản quy phạm pháp luật (19 luật, 51 nghị định) để đơn giản, cắt giảm 3.794/6.191 điều kiện kinh doanh. Đến nay, các bộ đã trình ban hành được 22 văn bản quy phạm pháp luật (1 luật và 21 nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 97% so với chỉ tiêu được giao).

Cụ thể, Bộ Công Thương cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh, vượt 5,5%; Bộ Y tế đơn giản, cắt giảm 1.343/1.871 điều kiện kinh doanh, vượt 21,78%; Bộ Xây dựng cắt giảm 183/215 điều kiện kinh doanh, vượt 35,12%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đơn giản, cắt giảm 101/163 điều kiện kinh doanh, vượt 12%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đơn giản, cắt giảm 121/212 điều kiện kinh doanh, vượt 7,08%; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đơn giản, cắt giảm 60/112 điều kiện kinh doanh, vượt 3,57% và 75/85 thủ tục hành chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đơn giản, cắt giảm 172/345 điều kiện kinh doanh, đạt 50%.

Các bộ như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn giản, cắt giảm 63/122 điều kiện kinh doanh, vượt 1,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản, cắt giảm 63/122 điều kiện kinh doanh, vượt 1,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản, cắt giảm 26/385 điều kiện kinh doanh, đạt 13%; Bộ Giao thông vận tải đơn giản, cắt giảm 243/570 điều kiện kinh doanh, đạt 42,6%; Bộ Tư pháp đơn giản, cắt giảm 7/94 điều kiện kinh doanh đạt 7,45%; Ngân hàng Nhà nước đơn giản, cắt giảm 27 điều kiện kinh doanh.

Như vậy, theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng, còn 48 văn bản quy phạm pháp luật (18 luật, 30 nghị định) về cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh chưa ban hành, thuộc trách nhiệm của các bộ: Giáo dục và Đào tạo (2 luật); Thông tin và Truyền thông (4 nghị định); Y tế (6 luật); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2 luật); Giao thông vận tải (13 nghị định); Lao động-Thương binh và Xã hội (4 nghị định); Khoa học và Công nghệ (1 nghị định); Văn hóa Thể thao và Du lịch (1 luật); Công an (1 nghị định); Tư pháp (1 luật); Tài nguyên và Môi trường (1 nghị định); Tài chính (6 luật và 3 nghị định); Quốc phòng (1 nghị định); Ngân hàng Nhà nước (1 nghị định).

Với kết quả trên có thể thấy chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả, việc thực hiện nhiệm vụ giao của các bộ, ngành về cải cách hoạt động KTCN và đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến tích cực. Việc đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa KTCN đạt 136,5% vượt 36,5% so với chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và vượt 13% so với kế hoạch của các bộ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng, hoạt động KTCN và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn một số tồn tại. Cụ thể, chưa đẩy mạnh việc kết nối thông tin kết quả kiểm tra giữa các cơ quan, tổ chức KTCN, do đó chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro, công nhận kết quả kiểm tra trong việc phân tích đánh giá thông tin về DN, dẫn đến kiểm tra còn trùng lắp, cùng một mặt hàng, hãng sản xuất nhưng lần nào DN cũng bị kiểm tra với tỉ lệ phát hiện hàng hóa không đạt chất lượng rất thấp (chiếm khoảng 0.06% trên tổng số lô hàng kiểm tra).

Số lượng thủ tục triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia còn thấp; việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, không bảo đảm tiến độ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một số bộ đã ban hành văn bản bãi bỏ danh mục hoặc chuyển thời điểm kiểm tra mặt hàng thuộc quản lý từ giai đoạn kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan song vẫn quy định DN phải nộp chứng từ cho cơ quan Hải quan để thông quan hàng hóa.

Chẳng hạn Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; bên cạnh đó Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ (tại Quyết định số 3482/QĐ-BKHCN ngày 8/12/2017) chỉ quy định 21 dòng hàng phải thực hiện kiểm tra chất lượng trước thông quan còn lại là kiểm tra sau thông quan. Tuy nhiên theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN thì doanh nghiệp phải nộp đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng đối với những hàng hóa phải kiểm tra chất lượng sau thông quan. Việc doanh nghiệp phải nộp đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng nêu trên vẫn phát sinh thủ tục kiểm tra chuyên ngành để được thông quan hàng hóa. Tại Quyết định 1254/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu cơ chế quản lý phù hợp, không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản đăng ký kiểm tra có xác nhận của cơ quan kiểm tra để thông quan hàng hóa.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/buoc-tien-moi-trong-cat-giam-thu-tuc-quan-ly-chuyen-nganh.aspx