Bước tiến mới mở ra hi vọng cho cả triệu bệnh nhân ung thư

Ngoài các phương pháp điều trị ung thư truyền thống thì việc phát triển thêm các phương pháp điều trị bổ trợ khác đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư có cơ hội điều trị bệnh.

Bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội điều trị tốt hơn

Bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội điều trị tốt hơn

Bệnh tiến triển nhờ điều trị trúng đích

Bệnh nhân Nguyễn T. T, nữ, 58 tuổi. Vào viện vì: ho, khó thở. Từ tháng 10/2015 với các triệu chứng ho, đau tức ngực phải. Bác sĩ chẩn đoán bà T. bị ung thư phổi di căn hạch trung thất, di căn xương T4N2M1, giai đoạn IV.
Khi làm các xét nghiệm sinh thiết, xét nghiệm gen, bệnh nhân T bị ung thư biểu mô tuyến, không có đột biết gen EGFR, ALK.

Bệnh nhân được điều trị phác đồ Cisplatin – Pemetrexed 6 chu kỳ. Sau 6 chu kỳ điều trị hóa chất, bệnh nhân đỡ khó thở, không đau tức ngực, không ho, thể trạng tốt lên.

Sau 6 chu kỳ điều trị hóa chất, bệnh nhân được điều trị duy trì liên tục bằng Pemetrexed. Hiện tại bệnh ổn định 20 tháng, đã điều trị duy trì 12 đợt Pemetrexed. Trên lâm sàng bệnh ổn định, không khó thở, không ho, tăng cân, thể trạng tốt lên. Tác dụng phụ ở mức độ nhẹ: mệt mỏi, buồn nôn. Chụp PET/CT: cả u, hạch và tổn thương di căn xương tan biến.

Hay như trường hợp của bệnh nhân Hà V. T., nam giới, 64 tuổi, nhập viện vào tháng 2/2016 với lý do đau đầu, yếu nửa người phải.

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng phải loại biểu mô tuyến giai đoạn T4N2M0 từ năm 2013 và được điều trị bằng phẫu thuật triệt căn: cắt đoạn đại tràng phải, vét hạch vùng và phối hợp điều trị hóa chất bổ trợ phác đồ FOLFOX4 6 chu kỳ sau đó tại bệnh viện tỉnh.

Khi tới Bệnh viện Bạch Mai, ông T. được sinh thiết tổn thương phổi phải và nhuộm hóa mô miễn dịch: ung thư biểu mô tuyến có nguồn gốc từ đại tràng, xét nghiệm gen KRAS (+). Chẩn đoán ung thư đại tràng phải đã điều trị phẫu thuật, hóa chất tái phát di căn phổi, não có đột biến gen KRAS.

Giáo sư Mai Trọng Khoa

Nhờ chẩn đoán chính xác được đột biến gen mà ông T. được điều trị theo thuốc phù hợp. Kết quả chụp PET/CT đánh giá lại sau điều trị 6 chu kỳ hóa trị thì khối u thùy dưới phổi phải giảm còn 2x1,2cm, tăng hấp thu FDG, max SUV: 4,9. phổi trái không thấy tổ chức tăng hấp thu FDG bất thường. Nhu mô não hấp thu FDG đồng đều, không thấy u.

Điều trị cá thể cho bệnh nhân ung thư dựa vào kết quả xét nghiệm sinh học phân tử

Theo GS Mai Trọng Khoa – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu: hiện nay trên thế giới việc ứng dụng công nghệ sinh học phân tử (xét nghiệm gen và biểu lộ gen - protein) trên người đã được nghiên cứu và ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị.
Các biện pháp điều trị bệnh ung thư bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch. Với phương pháp điều trị đích, miễn dịch là các phương pháp điều trị cá thể hóa, cần phải làm các xét nghiệm đột biến gen… thì mới lựa chọn được đối tượng nào sẽ có đáp ứng và giảm các tác dụng phụ.

Đó cũng là lý do đơn vị Gen và Tế bào gốc, Bệnh viện Bạch Mai ra đời để hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Tuy nhiên, GS Khoa khẳng định hướng điều trị này không thể thay thế các phương pháp điều trị khác mà nó là phương pháp bổ trợ nhau vì nguyên tắc điều trị ung thư vẫn trên nguyên tắc điều trị đa mô thức, tức là phải phối hợp với một hoặc nhiều phương pháp với nhau, tùy theo từng người bệnh.

Ví dụ, cùng bị ung thư phổi ở cùng giai đoạn, cùng điều trị như nhau nhưng có người đỡ, có người không đỡ, bởi vì mỗi cá thể có đáp ứng khác nhau. Bằng kỹ thuật và công nghệ người ta phát hiện được các biến đổi gen như đột biến gen hoặc biểu lộ quá mức của các gen, protein – Giáo sư Khoa nhấn mạnh.

Ví dụ, vào thập niên những năm 2000, trên thế giới khi áp dụng thuốc điều trị đích cho bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn muộn thì có bệnh nhân đáp ứng tốt nhưng có người lại không đáp ứng và bệnh nặng lên. Về sau người ta phát hiện ra rằng những bệnh nhân có đột biến EGFR thì dùng thuốc điều trị đích (ức chế tyrosine kinase) mới có hiệu quả. Bệnh nhân mà không có đột biến gen này thì không có hiệu quả.

Với trường hợp của ông T. bị ung thư đại trực tràng nếu có đột biến KRAS, NRAS thì sẽ không dùng được một số thuốc điều trị đích, do đó việc xét nghiệm gen để lựa chọn phác đồ điều trị đặc biệt ở giai đoạn di căn rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí điều trị.

GS Khoa cho biết tại Đơn vị Gen và Tế bào gốc, Bệnh viện Bạch Mai đã xác định được hầu hết các gen phục vụ điều trị, tiên lượng bệnh ung thư và giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể với từng bệnh, từng giai đoạn bệnh.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/buoc-tien-moi-mo-ra-hi-vong-cho-ca-trieu-benh-nhan-ung-thu-post286569.info