Bước tiến mới cho kế hoạch 1.000 tỷ USD để giải cứu Trái Đất

Các lãnh đạo thế giới đang thúc đẩy các ngân hàng phát triển quốc tế cải tổ hoạt động cho vay để giúp những nước đang phát triển giải quyết biến đổi khí hậu và gánh nặng nợ cao.

Nỗ lực này, được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia nghèo gặp khó khăn kinh tế do xung đột ở Ukraine, đã đạt được bước tiến trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 tại Ai Cập ngày 6-18/11. Các quốc gia đã đồng ý thành lập một quỹ chi trả cho những thiệt hại liên quan đến khí hậu ở các quốc gia được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương.

Những người ủng hộ nói rằng nước giàu cần đại tu các ngân hàng phát triển của họ để họ có thể cung cấp vốn với mức lãi suất ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển chi trả cho những dự án và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Họ nói rằng những nỗ lực như vậy có thể mở rộng cho vay một cách an toàn lên tới 1.000 tỷ USD/năm, theo Wall Street Journal.

Sáng kiến Bridgetown

“Chúng ta cần một lượng lớn nguồn tài chính ưu đãi”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một bài phát biểu tại hội nghị.

Ông Macron nằm trong số những nhà lãnh đạo ủng hộ cái gọi là Sáng kiến Bridgetown do Thủ tướng Barbados Mia Mottley khởi xướng. Sáng kiến này kêu gọi sử dụng mạnh mẽ hơn các nguồn tài chính tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để mở rộng khoản cho vay đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình thêm 1.000 tỷ USD.

Một hội thảo do G20 - nhóm 20 nền kinh tế lớn cũng đã đưa ra các khuyến nghị vào tháng 7 nhằm tăng khoản cho vay của ngân hàng thêm “vài trăm tỷ USD trong trung hạn” bằng cách cân đối kế toán của họ một cách hiệu quả hơn, bao gồm việc nâng cao mức độ chấp nhận rủi ro.

 Thủ tướng Barbados Mia Mottley đã thúc đẩy Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế mở rộng khoản cho vay đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ảnh: AP.

Thủ tướng Barbados Mia Mottley đã thúc đẩy Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế mở rộng khoản cho vay đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ảnh: AP.

Đề xuất mới không đặc biệt kêu gọi một dòng vốn truyền thống mới từ các quốc gia giàu có. Thay vào đó, họ dựa vào việc tận dụng vốn hiện có và sử dụng các công cụ tài chính bao gồm quyền rút vốn đặc biệt của IMF, một tài sản dự trữ quốc tế mà các quốc gia có thể sử dụng để cho vay với lãi suất thấp. Các công cụ khác như bảo lãnh khoản vay và chứng khoán hóa các dự án cũng đang được thảo luận.

Các nhà phân tích tại Moody's Investors Service, một công ty xếp hạng tín dụng, cho biết trong một báo cáo tháng 11 rằng họ kỳ vọng các ngân hàng sẽ áp dụng hầu hết hoặc tất cả khuyến nghị của G20, vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Nhà Trắng Biden và chính quyền các nền kinh tế lớn khác.

Trả lời các cuộc thảo luận tại COP27, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết ngân hàng có kế hoạch phát hành một báo cáo trước cuối năm, đưa ra lộ trình mở rộng vai trò của mình để phản ánh những thúc đẩy gần đây từ các chính phủ thành viên, bao gồm loạt khuyến nghị từ G20, theo một lưu ý ngày 14/11 cho tất cả nhân viên ngân hàng.

Thừa nhận rằng những nỗ lực của ngân hàng trong việc giải quyết vấn đề khí hậu và những thách thức khác mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt là chưa đủ, ông cho biết mình hoan nghênh những lời kêu gọi tăng cường vai trò của ngân hàng. “Điều này phù hợp với khả năng lịch sử của chúng tôi trong việc phát triển một cách nhất quán để giải quyết các nhu cầu đang thay đổi trong quá trình phát triển”.

John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết tại sự kiện Bloomberg Green bên lề COP27 rằng một cuộc đại tu phải được hoàn thành trước mùa xuân tới để thực hiện “một bản vẽ lớn quan trọng” về dòng vốn của các ngân hàng, có thể giải phóng 400 tỷ USD đến 500 tỷ USD mà không cần truyền vốn mới cho các ngân hàng.

John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể cung cấp thêm hàng trăm tỷ USD để tài trợ cho các dự án giải quyết biến đổi khí hậu. Ảnh: Zuma Press.

Các nước đang phát triển cần bao nhiêu?

Các thị trường mới nổi và nước đang phát triển ngoại trừ Trung Quốc sẽ cần khoảng 1.000 tỷ USD hàng năm vào năm 2025 và khoảng 2.400 tỷ USD vào năm 2030 để tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C như thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, theo dự báo của một hội thảo của các nhà lãnh đạo tham dự các cuộc họp COP26 và COP27.

Ước tính 1.000 tỷ USD chi tiêu hàng năm sẽ được chi trả bởi sự kết hợp của các nguồn tài trợ công và tư nhân, và tách biệt với các cuộc thảo luận về việc tăng khoản vay ngân hàng phát triển lên 1.000 tỷ USD.

Những sáng kiến này được đưa ra khi các quốc gia giàu có không đạt được cam kết lâu dài về khí hậu là cung cấp 100 tỷ USD tài trợ và cho vay hàng năm để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu vào năm 2020.

Ngoài chi phí giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giá năng lượng và lương thực cao hơn do xung đột Nga - Ukraine đã gây căng thẳng cho ngân sách và làm tăng mức nợ tại nhiều quốc gia đang phát triển.

Năm nay, 73 quốc gia nghèo nhất thế giới nợ 44 tỷ USD mức chi trả nợ cho các bên cho vay song phương và tư nhân, nhiều hơn số tiền họ nhận được từ viện trợ nước ngoài.

Sự kết hợp của các yếu tố như vậy đã khiến các quốc gia tập trung vào Ngân hàng Thế giới và các tổ chức cho vay khác, những tổ chức đã bị chỉ trích vì điều kiện cho vay được coi là khắt khe để tránh rủi ro.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết ngân hàng đang có các kế hoạch giúp nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters.

Rachel Kyte, hiệu trưởng Trường Fletcher tại Đại học Tufts, cho biết: “Chúng ta cần các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, cực kỳ tin tưởng vào công cụ này vì đây là công cụ đa phương linh hoạt nhất mà chúng ta có sẵn” trong chính sách tài chính và năng lượng phát triển.

Các quốc gia đang phát triển đã phàn nàn về việc thiếu các khoản vay hợp lý để chi trả cho những dự án nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Sumant Sinha, Giám đốc điều hành của ReNew Power, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất của Ấn Độ, cho biết có tình trạng thiếu nguồn vốn vay cho các dự án năng lượng tái tạo ở Ấn Độ.

Người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới cho biết ngân hàng dành một phần đáng kể nguồn lực của mình để tài trợ cho hành động khí hậu, với 36% tổng số tiền cho vay được phân bổ cho mục đích này trong năm tài chính hiện tại bắt đầu từ ngày 1/7.

Các cuộc thảo luận hiện tại tập trung vào Ngân hàng Thế giới, được thành lập sau Thế chiến II để giúp tài trợ cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà máy và trang trại bị hư hại.

Ngân hàng này và các ngân hàng phát triển đa phương khác phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế để huy động hầu hết nguồn lực của mình, và tài trợ cho các dự án phát triển như đường xá, y tế và giáo dục cơ bản, với các điều kiện tài chính thuận lợi.

Trong một báo cáo ngày 3/11, các nhà phân tích tại Moody's cho biết Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển hàng đầu khác có khả năng tăng cho vay mà không gây nguy hiểm cho xếp hạng tín dụng cao của họ, vốn cho phép họ huy động vốn với lãi suất thấp nhất. Họ ước tính các ngân hàng hàng đầu có thể tăng đòn bẩy nợ của họ - số tiền cho vay so với vốn chủ sở hữu - lên 5 đến 6 lần, thay vì mức dưới 2 lần hiện tại.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-tien-moi-cho-ke-hoach-1000-ty-usd-de-giai-cuu-trai-dat-post1378930.html