Bước tiến lớn trong xây dựng chính phủ điện tử

Quá trình hoàn thiện một số loại hồ sơ, nhiều nơi yêu cầu cá nhân, tổ chức phải nộp bản sao có chứng thực giấy tờ tùy thân. Việc này khiến nhiều xã, phường, thị trấn quá tải, mặt khác gây phiền hà, tốn kém cho người dân và lãng phí cho xã hội. Khắc phục tình trạng này, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đang được ưu tiên triển khai sẽ là bước tiến lớn trong xây dựng chính phủ điện tử.

Tình trạng lạm dụng bản sao hồ sơ dẫn đến tốn kém, lãng phí cho xã hội là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Theo ông Đoàn Chí Kiên, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), đa số các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng đều yêu cầu phải có các giấy tờ kèm theo là bản sao có chứng thực. Để không phải mất nhiều thời gian, giấy tờ tùy thân của các thành viên trong gia đình đều được ông mang đi sao y sẵn.

Không chỉ tốn tiền sao y, tốn công lưu giữ giấy tờ, một vấn đề nữa khiến người dân cảm thấy phiền hà là thời gian chờ đợi. Chị Nguyễn Thị Giang, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ, thứ hai hằng tuần, lãnh đạo phường thường hay bận họp nên phải chờ rất lâu, thậm chí phải để hồ sơ lại và chờ cả ngày mới có kết quả.

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2019, đã có hơn 102 triệu hồ sơ phải chứng thực, công chứng. Việc làm này không những gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội mà còn tạo áp lực, đôi khi quá tải đối với UBND cấp xã trong công tác chứng thực.

Trong xu thế đẩy mạnh xã hội số, phát triển nền kinh tế số, nếu người dân làm hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia mà vẫn phải nộp bản sao chứng thực, hoặc xuất trình bản giấy thì thật sự "không ổn". Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ thực tế này lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), khi thực hiện chứng thực bản sao điện tử, dịch vụ sẽ kèm tiện ích là đặt lịch hẹn trước, nhằm giảm thời gian chờ đợi. Người dân, doanh nghiệp sẽ nhận bản chứng thực điện tử có đầy đủ lời chứng, chữ ký số và con dấu của cơ quan có thẩm quyền tại tài khoản của mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc email (trường hợp chưa có tài khoản).

Bản sao điện tử được sử dụng lại nhiều lần, có giá trị thay cho bản chính để thực hiện nhiều thủ tục hành chính và loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như cách làm truyền thống hiện nay. "Với ưu thế 1 bản điện tử có thể sử dụng nhiều lần, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực của năm 2019, chi phí xã hội tiết kiệm được 428,4 tỷ đồng/năm", ông Ngô Hải Phan cho hay.

Tuy nhiên, khó khăn trong triển khai dịch vụ này là một số văn bản pháp lý liên quan đến mẫu bản sao điện tử được chứng thực nhưng yêu cầu kỹ thuật với bản sao điện tử hiện chưa có quy định. Ngoài ra, đối tượng thực hiện dịch vụ cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính gồm nhiều cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng nên việc quản lý cần chặt chẽ. “Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng tài liệu, hướng dẫn việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cung cấp cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền chứng thực để có thể khai trương dịch vụ này vào ngày 1-7-2020", đồng chí Mai Tiến Dũng thông tin.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/971300/buoc-tien-lon-trong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu