Buộc thôi việc nữ trưởng phòng dùng bằng chị gái

Bà Ngọc Thảo bị buộc thôi việc, khai trừ khỏi Đảng sau khi dùng bằng cấp 3 của chị gái, khai báo nhân thân không trung thực.

Chiều 23/10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã ký thông báo về việc xử lý kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - Trưởng phòng Hành chính - Quản trị với hình thức buộc thôi việc.

Trước đó, ngày 22/10/2019, theo thông tin từ bà Đoàn Thị Biên - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - tức Trần Thị Ngọc Thảo.

Theo đó, bà Thảo sẽ bị khai trừ khỏi Đảng dưới tên của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa. Kết luận này sẽ được Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk chuyển tới Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Khi nói về phương hướng xử lý đối với trường hợp của bà Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng chị gái để làm việc trong cơ quan nhà nước, học cử nhân, thạc sĩ và khai không đúng sự thật về nhân thân, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính cho rằng, không thể khai trừ Đảng hay kỷ luật cán bộ mang tên Thảo hay tên Sa.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo.

Bởi bà Thảo thay tên, đổi họ. Toàn bộ hồ sơ, lý lịch của bà Thảo làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk hay vào Đảng tại cơ quan này đều mang tên Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Từ đó, trong hồ sơ công tác và lý lịch vào Đảng của nhân viên làm việc trong Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ không ghi nhận có người nào tên là Trần Thị Ngọc Thảo.

Chính vì thế việc kỷ luật bà Thảo hay khai trừ Đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa là điều không thể xảy ra vì trên giấy tờ không có người nào tên như thế.

"Khi bà Thảo lấy bằng cấp 3 của chị gái để học trung cấp, đại học, thạc sĩ hay làm hồ sơ xin việc, hồ sơ lý lịch vào Đảng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì điều đó chứng tỏ các quyết định bổ nhiệm, các loại văn bằng, thẻ Đảng viên đã cấp cho bà Thảo đều không đúng, không có giá trị.

Nên để xử lý trường hợp của bà Thảo, trước tiên cơ quan chức năng sẽ phải thu hồi lại các quyết định bổ nhiệm, thu hồi các văn bằng, thẻ Đảng viên cấp cho người mang tên Trần Thị Ngọc Ái Sa mà bà Thảo đang giữ.

Tiếp đó mới đến các bước xử lý sau, xem xét việc bà Thảo có cố tình hay không, việc gian dối này có gây ra hậu quả nghiêm trọng nào đến mức phải xử lý hành chính hay hình sự hay không?" - ông Tri cho biết.

Còn luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa sẽ bị phạt tiền 2-8 triệu đồng.

Cùng với đó, quy định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

"Nếu bằng bà Thảo sử dụng là bằng giả thì người này sẽ có thể bị truy tố hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên ở trường hợp này, bằng là thật nên theo luật định chưa có chế tài xử lý hình sự. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như trên" - ông Đức nói.

Xuân Thức

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/buoc-thoi-viec-nu-truong-phong-dung-bang-chi-gai-3389969/