Bước thay đổi lớn của điện toán cá nhân

Các đại công ty công nghệ đang đầu tư hàng tỉ đô la để biến công nghệ nhận biết giọng nói thành phương thức giao tiếp chính với Internet, đánh dấu sự thay đổi công nghệ lớn nhất kể từ khi ông Steve Jobs, nhà đồng sáng lập hãng Apple, cho ra mắt điện thoại iPhone.

Công ty nghiên cứu Global Market Insights dự báo doanh thu loa thông minh sẽ tăng từ 4,5 tỉ đô la năm 2017 lên 30 tỉ đô la vào năm 2024.

Ngày nay, nhờ sự phổ biến của loa thông minh Amazon Echo và công cụ nhận biết giọng nói Alexa, tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã khơi mào cho một sự thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực điện toán cá nhân và truyền thông kể từ khi ông Steve Jobs, nhà đồng sáng lập hãng Apple, trình làng mẫu điện thoại iPhone đầu tiên vào năm 2007.

Sự trải nghiệm mới mẻ

Vào tháng 11-2014, Amazon cho ra mắt Echo, một thiết bị công nghệ cao sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lắng nghe các lượt truy vấn của con người, quét hàng triệu từ ngữ trong cơ sở dữ liệu được kết nối Internet và cung cấp câu trả lời, từ sâu sắc cho đến đời thường. Khoảng 47 triệu thiết bị Echo đã đến tay người sử dụng cho đến giờ, trả lời thắc mắc cho người tiêu dùng ở 80 quốc gia với bình quân khoảng130 triệu câu hỏi mỗi ngày. Alexa có thể yêu cầu âm nhạc, cung cấp thông tin thời tiết, điểm số thể thao và điều chỉnh từ xa bộ điều nhiệt của người sử dụng. Nó còn có thể kể chuyện cười, trả lời các câu hỏi đố…

Amazon không phải là nhà phát minh ra công nghệ nhận biết giọng nói vốn tồn tại hàng thập kỷ qua. Tập đoàn này thậm chí không phải là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên cung cấp ứng dụng giọng nói. Siri (của Apple) và Assistant (của Google) đã ra đời trước Alexa những vài năm. Trong khi đó, Microsoft giới thiệu Cortana cùng thời điểm Alexa ra mắt. Thành công của Echo đã khơi mào cho cuộc đua nóng bỏng nhằm giành vị trí thống trị thị trường thiết bị dành cho ngôi nhà thông minh.

Ông Dave Limp, Phó chủ tịch phụ trách mảng thiết bị của Amazon, giới thiệu một loạt thiết bị, dịch vụ tích hợp Alexa tại một sự kiện ở thành phố Seattle (Mỹ) hôm 20-9 qua.

Sự kết hợp giữa AI và sự trải nghiệm giọng nói mới mẻ biến cuộc cạnh tranh này không chỉ dừng lại ở việc bán thiết bị vào dịp lễ mua sắm cuối năm. Google, Apple, Facebook, Microsoft và những tên tuổi khác đều đang đổ tiền bạc vào các sản phẩm cạnh tranh với nhau. Trên thực tế, ông Gene Munster, chuyên gia công ty đầu tư Loup Ventures (Mỹ) ước tính rằng những đại gia công nghệ này đang chi tổng cộng 10% ngân sách nghiên cứu và phát triển hàng năm của họ – hơn 5 tỉ đô la – cho công nghệ nhận biết giọng nói. Theo ông, công nghệ giọng nói đánh dấu “bước thay đổi mạnh mẽ” của điện toán và dự đoán rằng khẩu lệnh, không phải bàn phím hoặc màn hình điện thoại, đang nhanh chóng trở thành “phương thức tương tác với Internet phổ biến nhất”.

Với khoản đầu tư khổng lồ nói trên, không có gì lạ khi sự cạnh tranh đang diễn ra khốc liệt. Amazon hiện giữ vị trí dẫn đầu, chiếm 42% thị trường loa kết nối toàn cầu, theo hãng nghiên cứu Canalys. Đối thủ hàng đầu của Echo chính là Google Home với 34% mức thị phần. Trong khi đó, mẫu HomePod của Apple đến muộn và có giá cao hơn nên không có gì khó hiểu khi thiết bị này bị tụt lại phía sau ở vị trí thứ 3. Đến đầu tháng 10 vừa qua, mạng xã hội Facebook cũng bắt đầu gia nhập cuộc chơi khi trình làng dòng thiết bị âm thanh và video mang tên Portal. Thiết bị này có thể là một số tác vụ nhận biết giọng nói và đáng chú ý là được tích hợp Alexa.

Apple có một số quan hệ đối tác, cho phép loa thông minh HomePod làm việc với những sản phẩm như bộ điều nhiệt thông minh của công ty Honeywell (Mỹ).

Giao diện người sử dụng trong tương lai

Thị trường hiện tại cho loa kết nối và các thiết bị tương tự đang tăng trưởng ấn tượng. Công ty nghiên cứu Global Market Insights dự báo doanh thu loa thông minh sẽ tăng từ 4,5 tỉ đô la năm 2017 lên 30 tỉ đô la vào năm 2024. Ngoài nỗ lực kiếm tiền từ phần cứng, mỗi công ty còn có chiến lược riêng nhằm chinh phục mục tiêu lớn hơn - giữ khách hàng bên trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của mình.

Chẳng hạn như Amazon sử dụng thiết bị Echo để tăng giá trị của dịch vụ trả phí Amazon Prime. Trong khi đó, Google hy vọng tìm kiếm bằng giọng nói cuối cùng sẽ tăng cường lượng dữ liệu khổng lồ giúp ích mảng quảng cáo của họ. Với Siri, Apple nhìn thấy một cách kết nối giữa điện thoại, máy tính, bộ điều khiển truyền hình và thậm chí là phần mềm được tích hợp vào các hệ thống trên xe.

Vẫn còn quá sớm để dự đoán người chiến thắng trong cuộc đua này. Dù vậy, có thể khẳng định ngành công nghiệp tin rằng công nghệ giọng nói, được hỗ trợ bởi những sự tiến bộ gần đây trong AI, sẽ là giao diện người sử dụng trong tương lai. “Giọng nói cho phép làm mọi thứ. Nó cho phép những người không có trình độ học vấn cao cũng có thể sử dụng hệ thống... Nó cho phép người sử dụng nghe công thức nấu ăn trong lúc làm bếp. Thỉnh thoảng, ngành công nghệ lại chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ và chúng tôi nghĩ giọng nói là một trong số đó”, ông Nick Fox, một trong những Phó chủ tịch Google, nhận định.

Google bắt tay với công ty sản xuất khóa thông minh August trong công nghệ giọng nói.

Thực tế là công nghệ giọng nói vẫn còn trong giai đoạn ban đầu và các ứng dụng của nó còn thô sơ so với kỳ vọng của giới nghiên cứu. Bà Mari Ostendorf, chuyên gia tại Trường Đại học Washington (Mỹ) và là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về công nghệ ngôn ngữ, khen các công ty công nghệ lớn đã đạt thành tựu ấn tượng liên quan đến số lượng từ và khẩu lệnh mà AI có thể nhận biết và hiểu được. Bà cho rằng máy tính làm tốt việc trả lời các câu hỏi đơn giản nhưng hầu như vẫn “bó tay” trong các cuộc đối thoại thực sự.

Theo thời gian, công nghệ nhận biết giọng nói ngày càng được cải thiện nhờ điện toán xử lý nhanh hơn, mạnh hơn và ít tốn kém hơn. Khi đó, những công ty như Amazon, Google, Apple có thể dễ dàng xây dựng một mạng liền mạch hơn, nơi giọng nói liên kết thiết bị thông minh của họ với các hệ thống khác.

Còn đối với người tiêu dùng, thiết bị giọng nói đang là trợ lý hữu ích và đôi khi giúp họ thư giãn, giải trí. Những thiết bị gia dụng tại gia được hỗ trợ bằng giọng nói có thể lưu lại vô số sự kiện về cuộc sống hằng ngày của người sử dụng. Càng tích lũy nhiều dữ liệu cá nhân, những công ty như Amazon, Google, Apple càng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn hoặc tiếp thị hiệu quả hơn dù viễn cảnh này khiến các nhà hoạt động về sự riêng tư không khỏi lo ngại.

Một mẫu lò vi sóng tích hợp Alexa.

Tương tự như chiến lược chung, các đại công ty công nghệ cũng có cách tiếp cận khác nhau đối với khối dữ liệu thu thập được. Amazon cho biết họ chỉ sử dụng dữ liệu từ Alexa để giúp phần mềm này trở nên thông minh và hữu ích hơn đối với khách hàng. Alexa càng trở nên tốt hơn, theo Amazon, càng có nhiều khách hàng sẽ thấy được giá trị các sản phẩm, dịch vụ mình.

Bất chấp một số nỗi lo nhất định, công nghệ giọng nói nhiều khả năng sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến bởi sự tiện lợi của nó. Với hơn 100 triệu thiết bị loại này đang được sử dụng và cài đặt ở chế độ lắng nghe, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi giọng nói trở thành phương thức giao tiếp thống trị giữa con người và máy móc.

“Vẻ đẹp” của các quan hệ đối tác

Trong cuộc chiến ứng dụng giọng nói hiện nay, các mối quan hệ đối tác đóng vai trò quan trọng. Amazon gần đây khoe hàng chục ngàn nhà phát triển tại 150 quốc gia đang viết ứng dụng Alexa và đưa chúng vào những thiết bị không phải do tập đoàn này sản xuất. Trong khi đó, Google bắt tay đưa trợ lý giọng nói của mình vào sản phẩm âm thanh của Sony và Bang & Olufsen, ổ khóa thông minh của August và hệ thống chiếu sáng LED của Philips. Không chịu thua, Apple cũng có các mối quan hệ đối tác để cho phép HomePod hoạt động với các hệ thống an ninh và thiết bị điều chỉnh nhiệt thông minh.

(Fortune)

Minh Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281528/buoc-thay-doi-lon-cua-dien-toan-ca-nhan-.html