Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Vào lúc 20 giờ hôm qua, 21-6, từ Sân bay quốc tế Bạch Vân (Quảng Châu, Trung Quốc), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta đã lên đường về nước kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới nước CHND Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân

Chiều qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, từ Thủ đô Bắc Kinh bay xuống Quảng Châu, thăm Nhà lưu niệm Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người đã sống, hoạt động, tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc; dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái.

Nhớ ngày làm việc đầu tiên của chuyến thăm, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam, nhấn mạnh truyền thống hợp tác hữu nghị do các bậc tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản quý báu của hai Ðảng, hai Nhà nước, hai bên cần kế thừa và phát huy. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chính sách cơ bản, nhất quán lâu dài của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta là coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đưa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới. Trong những ngày thăm cấp nhà nước ở Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiến hành hàng loạt các cuộc tiếp xúc, hội kiến, gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao, các doanh nhân, gặp gỡ bạn bè Trung Quốc (Hội Hữu nghị, cựu cố vấn quân sự, cựu quan chức ngoại giao, nhân sĩ, học giả, thanh niên, sinh viên Trung Quốc). Ở đâu chúng tôi cũng thấy Chủ tịch nước ta nêu rõ, Việt Nam trước sau như một coi trọng việc cần phải tiếp tục củng cố, phát huy mối quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai Ðảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Tại cuộc gặp mặt các bạn bè Trung Quốc do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ động chỉ đạo các bộ, ngành nước ta tổ chức, diễn ra vào đêm trước khi lên đường về nước tại Ðại sứ quán Việt Nam, tôi ghi vội vào sổ tay câu nói xúc động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Lịch sử đã chứng minh, chỉ có hữu nghị, hợp tác và cùng nhau phát triển trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi mới là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của mối quan hệ hai nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của hai nước. Trên nền tảng quý báu đó, cuộc hội đàm giữa hai vị Chủ tịch đã nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước bằng nhiều biện pháp, nhất là tăng cường tiếp xúc cấp cao, thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Có thể nói 10 Văn kiện bao gồm các Thỏa thuận, Chương trình hành động, Hiệp định khung, Kế hoạch hợp tác đã được ký kết ngay sau khi hội đàm giữa hai vị Chủ tịch nước vừa kết thúc đã tạo nên động lực mới đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc vào bước phát triển mới. Chẳng hạn, "Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc, liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ" được ký kết. Ðồng chí Ðỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết: Thỏa thuận này được ký kết cho thấy, việc sửa đổi thỏa thuận này là sự nhất trí về mở rộng khu vực (diện tích), kéo dài về thời gian thỏa thuận để doanh nghiệp dầu khí của hai nước thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ sớm đạt hiệu quả cao. Thế là đã rõ, mọi khó khăn, vướng mắc đều có thể vượt qua bằng thương lượng, thỏa thuận. Ðối xử nhân đạo với ngư dân và tàu cá, xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang là đòi hỏi bức xúc của hàng triệu ngư dân Việt Nam. "Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thành lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của nghề cá trên biển" được ký kết sẽ giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, trong cuộc mưu sinh lập nghiệp.

Bản thỏa thuận vừa được ký kết gồm bốn phần và 10 điều khoản quy định rất cụ thể. Chẳng hạn, Ðiều 4 quy định: Theo luật pháp và thông lệ quốc tế, tinh thần hữu nghị, hai bên thống nhất trao đổi thông tin qua đường dây nóng như sau (1) Thông tin về tranh chấp nghề cá, sự cố của tàu cá và ngư dân trên biển; (2) Trong thời gian 48 giờ nhanh chóng thông tin các trường hợp bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia. (3) Kịp thời thông báo cho phía bên kia tình hình tránh trú bão, lánh nạn khẩn cấp của tàu cá và ngư dân hai nước trên biển. Hai bên chỉ định Ủy ban liên hiệp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Ủy ban liên hợp Nghề cá) là cơ quan thực hiện thỏa thuận này (Ðiều 5); bất cứ tranh chấp nào phát sinh trong quá trình thực hiện Thỏa thuận này sẽ được hai bên giải quyết thông qua hiệp thương hữu nghị (Ðiều 7). Chúng ta mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sớm triển khai đạt hiệu quả.

Cùng với các văn kiện đã được ký kết và đang đi vào cuộc sống, 10 văn kiện được các bộ, ngành vừa ký kết trong dịp này, mở ra triển vọng mới trong tăng cường hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, khoa học kỹ thuật, làm phong phú thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Ðặc biệt là thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế - thương mại; thúc đẩy hai nước vừa tăng trưởng ổn định vừa giảm nhập siêu của Việt Nam; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 60 tỷ USD vào năm 2015.

Giải quyết vấn đề biển là việc hệ trọng, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tình cảm thiêng liêng của dân tộc và của con người. Vì vậy, vấn đề này cũng là một trong những nội dung trọng yếu được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc hội đàm giữa hai Chủ tịch nước. Chúng tôi, những người làm báo được tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm cấp nhà nước này thật sự vui mừng được biết hai bên đã trao đổi thẳng thắn và nhất trí duy trì trao đổi, đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển; nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh, không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hai nước cũng như hòa bình, ổn định ở Biển Ðông. Ðó là bản Thỏa thuận được hai nước ký kết ngày 11-10-2011, tại nguyên tắc thứ hai nêu rõ, căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Trong quá trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) - nguyên tắc thứ ba. Tuyên bố này có nêu: Tiếp tục khuyến khích các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Ðiều đáng mừng là hai bên Việt Nam và Trung Quốc nhất trí thực hiện toàn diện có hiệu quả DOC, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Ðông.

Từ những thỏa thuận, cam kết đã đạt được mang tầm vóc chiến lược tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng ta vui mừng và hy vọng, bất đồng, khác biệt giữa hai nước trên biển sẽ được giải quyết thỏa đáng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới.

PHẠM ÐẠO

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/20608702-.html