Bước phát triển mới quan hệ hữu nghị Việt-Triều

Gần 7 thập kỉ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Triều Tiên do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành gây dựng, vun đắp luôn được gìn giữ và phát triển.

Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay (1-3) bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến thăm tới Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong-un, diễn ra trong hai ngày là 1 và 2-3, trở thành một trong những minh chứng cụ thể của mối quan hệ gần gũi, lâu bền tồn tại 7 thập kỉ qua giữa Việt Nam và Triều Tiên.

Gần bảy thập kỉ gìn giữ, phát triển

Ngày 31-1-1950, Việt Nam và Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Khi đó, Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, sau Trung Quốc và Liên Xô.

Gần 70 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Triều Tiên do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành gây dựng, vun đắp đã không ngừng được gìn giữ, phát triển.

Thủ tướng Kim Nhật Thành đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Bình Nhưỡng năm 1957. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Kim Nhật Thành đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Bình Nhưỡng năm 1957. Ảnh tư liệu

Cách đây 62 năm, từ ngày 8 đến 12-7-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Lễ đón vị lãnh tụ Cách mạng Việt Nam cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã được tổ chức vô cùng trọng thể. Ngay sau đó, một buổi mít tinh của đông đảo nhân dân Triều Tiên đã diễn ra ở Thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Kim Nhật Thành, khi đó là Thủ tướng.

Hơn một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành đến Hà Nội, thực hiện chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28-11 đến 2-12-1958. Một trong những dấu ấn đậm nét trong chuyến thăm này là việc hai bên kí kết Tuyên bố chung Triều Tiên - Việt Nam, cũng như Hiệp định mậu dịch giữa Việt Nam và Triều Tiên.

Trong giai đoạn 1964-1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam diễn ra ác liệt, Triều Tiên ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Vào năm 1964, Chủ tịch Kim Nhật Thành trở lại Việt Nam trong chuyến thăm không chính thức. Trong những năm 1960, đầu 1970, Triều Tiên đã giúp đào tạo nhiều sinh viên, cán bộ của Việt Nam...

Hình ảnh đồng chí Kim Nhật Thành được chào đón ở thủ đô Hà Nội năm 1958. Ảnh tư liệu

Những năm sau này, hai nước đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao từ cấp bộ trưởng trở lên. Đặc biệt, từ cuối những năm 2000, quan hệ ngoại giao giữa hai nước được tăng cường đáng kể, với những chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nội các Triều Tiên Kim Jong-il năm 2007 và Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam năm 2012...

Song song với mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, Việt Nam và Triều Tiên cũng thường xuyên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã viện trợ cho Triều Tiên 100 tấn gạo (năm 1995), 13.000 tấn gạo (năm 1997).

Giai đoạn 2000 - 2012, Việt Nam hỗ trợ 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu, 50.000 USD (viện trợ khẩn cấp); 70.000 USD (năm 2016 viện trợ lũ lụt).

Giai đoạn mới của quan hệ song phương

Những năm qua, trong bối cảnh tình hình mới, hai nước đã tiến hành trao đổi chính sách luân phiên cấp thứ trưởng ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên và trong khuôn khổ cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên....

Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tháng 11-2018 cũng như chuyến công du đến Bình Nhưỡng của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tháng 2-2019, người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho tại cuộc gặp tháng 11-2018.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Triều Tiên.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cũng khẳng định lập trường nhất quán của đảng, chính phủ Triều Tiên là tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, tài sản quý báu do Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp; nhấn mạnh mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới.

Trên cơ sở đó, chuyến thăm lần này tới Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển mới cho cả hai nước, hai dân tộc.

Thiện Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/gan-7-thap-ky-gin-giu-phat-trien-quan-he-viet-trieu-534870/