Bước nhảy của hàng Việt sang thị trường ASEAN

Thương mại hai chiều Việt Nam - ASEAN đã tăng lên 57,3 tỷ USD sau 25 năm Việt Nam gia nhập hiệp hội này.

Xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN 2015-2019 (triệu USD).

Hội nhập

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực. Từ đó, thương mại hai chiều Việt Nam - ASEAN tăng trưởng nhảy vọt.

ASEAN đã trở thành khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, sau các thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đạt 57,3 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 25,2 tỷ USD, tăng 1,5%, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN đạt 32,1 tỷ USD, tăng 0,9%, chiếm 12,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Nhập siêu của Việt Nam với khu vực này là 6,85 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2018.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia. Theo Bộ Công thương, về cơ bản, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong năm 2019 đều tăng trưởng tốt.

Cụ thể, các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm: sắt thép các loại (đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,2%); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 2,3 tỷ USD, giảm 21,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 1,9 tỷ USD, tăng 4,4%); dệt may (đạt 1,5 tỷ USD, tăng 21,4%)…

Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) cho biết, quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

“Năm 1995, Việt Nam tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đàm phán ký kết Hiệp định Ưu đãi thuế quan của ASEAN (CPT). Nếu không ký kết AFTA thì Việt Nam chưa chắc đã ký được hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU hay hiệp thương mại với Mỹ (BTA) năm 2000. Rõ ràng, gia nhập ASEAN là Việt Nam tham gia sân tập trước khi ra sân chơi khác rộng lớn hơn”, ông Vũ Hồ nhận định.

Kể từ khi tham gia AFTA, Việt Nam đã có nhiều ưu thế để tăng trưởng thương mại, kinh tế, đồng thời tạo động lực phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tiến tới cân bằng thương mại và giảm nhập siêu

Theo Bộ Công thương, ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý, mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Khu vực này có tổng dân số 636 triệu người, GDP đạt 2.760 tỷ USD. Do vậy, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều hàng hóa trong nước còn rất lớn.

Những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, thủy sản và khoáng sản. Những mặt hàng này hầu hết được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Cụ thể, xuất khẩu nông, thủy sản sang ASEAN năm 2019 đạt 2,69 tỷ USD, tăng 0,9%, trong đó xuất khẩu rau quả tăng 68,8%, thủy sản tăng 2,3%, gạo tăng 8,6%, chè tăng 16,9%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản. Do được hưởng những ưu đãi từ AFTA và các hiệp định liên quan, một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản như tôm, cá ngừ, cá tra… đang tăng cả về sản lượng và giá trị.

Điều này thể hiện ở tỷ lệ sử dụng mẫu C/O xuất khẩu sang ASEAN luôn ở mức cao so với thị trường khác. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu D năm 2019 là 35,17%. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam đều đã đạt ngưỡng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao (trên 60%), như thủy sản (63,16%), nông sản (hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, rau quả đạt trên 90%), gỗ và sản phẩm gỗ (92,38%), da giày (99,2%)… Tuy nhiên, về dài hạn, các ngành hàng xuất khẩu của nước ta còn nhiều việc phải làm để tiến tới cân bằng thương mại với các thị trường trong khối ASEAN, giảm dần nhập siêu.

Các nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ ASEAN trong năm qua chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,9 tỷ USD); xăng dầu các loại (3 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (2,6 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (1,6 tỷ USD); kim loại thường khác (1,17 tỷ USD); hóa chất (1 tỷ USD)...

Cần phải nói thêm, trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất chưa tự chủ được nguyên liệu đầu vào, thị trường ASEAN đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm được nguồn cung nguyên liệu sản xuất dồi dào, giá cả hợp lý, đồng thời tiếp cận được nguồn vốn và các công nghệ kỹ thuật cao. Điều này giúp doanh nghiệp hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với dệt may, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 21,4%; xơ sợi tăng 8,4%, đạt 310 triệu USD.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nhóm hàng dệt may còn nhiều khả năng tăng xuất khẩu sang ASEAN trong những năm tới, khi các dòng thuế tiếp tục được cắt giảm nhờ các FTA và lợi thế về khoảng cách địa lý, độ tương đồng về văn hóa.

Đánh giá thị trường ASEAN, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu gặp khó, việc đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN là hướng đi của nhiều doanh nghiệp và đây cũng là phương án tốt cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buoc-nhay-cua-hang-viet-sang-thi-truong-asean-d126462.html