Bước ngoặt về sự phát triển đường lối quân sự của Đảng

Cách đây 80 năm, ngày 27-9-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đảng bộ địa phương, nhân dân các dân tộc Bắc Sơn đã đoàn kết, đứng lên khởi nghĩa, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, làm chủ châu lỵ Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Đây là sự kiện lịch sử quân sự có tầm vóc to lớn, ý nghĩa lan tỏa rộng khắp cả nước và là bài học kinh nghiệm quý báu trong tiến trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc những năm 1939-1945.

Khởi nghĩa Bắc Sơn mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: “Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”(1). Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng nêu ra những hình thức và phương pháp cách mạng, trong đó nhấn mạnh đến khởi nghĩa giành chính quyền “không phải là một việc thường”, mà là một nghệ thuật “phải theo khuôn phép nhà binh”(2).

Trước tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1-9-1939) và thực dân Pháp thực hiện vơ vét sức người, sức của phục vụ chiến tranh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11-1939) dự kiến “Cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ bùng nổ”(3). Lợi dụng phát xít Đức tiến công chiếm nước Pháp, ngày 23-9-1940, quân Nhật từ miền Nam Trung Quốc vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn. Quân Pháp trấn giữ vùng Lạng Sơn thất bại, một bộ phận đầu hàng, bộ phận còn lại tháo chạy về Thái Nguyên. Không bỏ lỡ thời cơ, một số đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về đã họp với số đảng viên địa phương tại đình làng Nông Lục (xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn) quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang. Đúng 20 giờ ngày 27-9-1940, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, khoảng 600 tự vệ và quần chúng cách mạng tiến công, chiếm đồn Mỏ Nhài, giải phóng châu lỵ Bắc Sơn, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến.

Được tin Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, tháng 10-1940, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên, lên cùng đảng bộ địa phương lãnh đạo phong trào. Thế nhưng tình hình Bắc Sơn lúc này không còn thuận lợi. Cuộc xung đột Nhật-Pháp ở Lạng Sơn đã kết thúc. Phát xít Nhật do bận chiến tranh và chưa có bộ máy tay sai thay Pháp nên thỏa hiệp cho Pháp chiếm lại đồn Mỏ Nhài và tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Tuy chỉ diễn ra ở một châu, các lực lượng tham gia không nhiều và tồn tại trong một thời gian, nhưng cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn có sức lan tỏa và ảnh hưởng trong phạm vi toàn quốc, có tầm vóc và ý nghĩa rất lớn. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã mở đầu thời kỳ đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc Đông Dương. Kế tiếp cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940), binh biến Đô Lương (tháng 1-1941). “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”.(4)

Khởi nghĩa Bắc Sơn là bước ngoặt mở đầu thời kỳ cách mạng Việt Nam sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng đánh đổ chính quyền thực dân và phong kiến, giành độc lập, tự do. Khởi nghĩa Bắc Sơn thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước.

Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đã đánh vào cả hai kẻ thù là thực dân Pháp và phát xít Nhật, điều đó chứng tỏ với thế giới rằng, nhân dân Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh xâm lược. Đồng thời chứng minh dự đoán của Đảng ta về triển vọng Chiến tranh thế giới thứ hai và tiến trình cách mạng Việt Nam trong tình hình mới là hoàn toàn chính xác.

Khởi nghĩa Bắc Sơn đã đặt nền móng cho sự ra đời của các đội quân cách mạng. Đó là sự ra đời Đội Du kích Bắc Sơn thành lập trên cơ sở đội quân du kích được rèn luyện thử thách trong cuộc khởi nghĩa (14-2-1941). Sau một thời gian, Đội Du kích Bắc Sơn đổi tên và phát triển thành các Trung đội Cứu quốc quân 1 (tháng 7-1941), Trung đội Cứu quốc quân 2 (15-9-1941) và Trung đội Cứu quốc quân 3 (25-2-1944). Đó là những đội quân tiền thân của Quân đội ta.

Cũng từ Khởi nghĩa Bắc Sơn mở ra quá trình hình thành và phát triển căn cứ địa cách mạng do Đảng trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, hội nghị Sa Khao (14-10-1940) quyết định chọn các vùng Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Me, Nam Nhi (xã Vũ Lăng) và Nà Tấu (xã Ngư Viễn) xây dựng thành khu căn cứ du kích. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 11-1940) quyết định duy trì và phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn-Võ Nhai làm trung tâm. Theo chủ trương đó, đến tháng 4-1941, các xã Vũ Lễ, Vũ Lăng, Ngư Viễn, Hữu Vĩnh (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã nối liền với các xã Lâu Thượng, Phú Thượng (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) hình thành căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai. Đến năm 1943 nối thông với căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, hình thành Chiến khu Cao-Bắc-Lạng và sau đó cùng với Chiến khu Thái-Tuyên-Hà hợp thành Khu giải phóng Việt Bắc (tháng 6-1945).

Khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là “Khởi nghĩa Bắc Sơn đã giúp cho Đảng ta rút ra những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về phương pháp lãnh đạo và tiến hành khởi nghĩa vũ trang”(5). Trước hết, cần chọn thời cơ khởi nghĩa đúng lúc, kịp thời. Chọn châu Bắc Sơn bởi lúc này, chính quyền địch hoang mang, rệu rã trước sức tiến công của quân Nhật ở Lạng Sơn. Tàn quân Pháp hoảng sợ quân Nhật, nhưng khi rút chạy qua Bắc Sơn vẫn tàn phá, cướp bóc, gây căm phẫn trong quần chúng. Nhân dân Bắc Sơn vốn có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, được đảng bộ địa phương lãnh đạo đã lập các tổ tự vệ phục kích, tiêu diệt, tước vũ khí tàn quân địch. Đặc biệt, những đảng viên cộng sản ở Bắc Sơn đã nhanh chóng đảm đương lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Nhờ nắm bắt đúng thời cơ, Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra tối 27-9-1940 đã giành thắng lợi một cách mau lẹ.

Khởi nghĩa Bắc Sơn diễn ra trong điều kiện chưa có lực lượng vũ trang cách mạng hỗ trợ, do đó, Đảng bộ Bắc Sơn xác định quần chúng là lực lượng quan trọng trong khởi nghĩa. Sự tham gia của đông đảo quần chúng các dân tộc là nguyên nhân cơ bản để khởi nghĩa giành được những chiến thắng quan trọng ở Mỏ Nhài, Vũ Lăng... Trên cơ sở phong trào quần chúng khởi nghĩa sôi nổi, được nhân dân ủng hộ, Đảng bộ Bắc Sơn tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang "làm vốn" quân sự cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng sau này. Tuy nhiên, sau khi làm chủ châu lỵ, Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thế nhưng sau đó không thành lập ngay chính quyền cách mạng để thực hiện chuyên chính vô sản, trấn áp bọn tay sai phản cách mạng, mà để cho tự vệ, quần chúng trở về xã, thôn và chờ chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ. Do chưa thành lập được chính quyền cách mạng và không thực hiện chuyên chính triệt để với kẻ thù nên sức mạnh Khởi nghĩa Bắc Sơn bị giảm sút, thành quả cách mạng hạn chế và gặp những khó khăn, tổn thất nặng nề sau đó. Vì vậy, để khởi nghĩa thắng lợi trọn vẹn, phải thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Đồng thời, cần kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trong quá trình khởi nghĩa. Trước Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo chưa có điều kiện kết hợp giữa quân sự và chính trị. Đến khi Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ mới có sự kết hợp giữa hai yếu tố quan trọng này. Thế nhưng, sự kết hợp giữa quân sự và chính trị cũng ở mức độ khác nhau. Sau chiến thắng Mỏ Nhài, sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị còn mờ nhạt. Khi Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo, công tác chính trị được coi trọng, sự kết hợp giữa quân sự và chính trị được thực hiện. Tiếp đó, Trung ương Đảng lãnh đạo mới có sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, trong đó, Đội Du kích Bắc Sơn (sau phát triển thành các Trung đội Cứu quốc quân) thực hiện cả vũ trang và vận động quần chúng, kể cả trong hàng ngũ địch.

Khởi nghĩa Bắc Sơn tuy quy mô không lớn và chưa giành được thắng lợi triệt để nhưng có ảnh hưởng và tiếng vang lớn trong cả nước, có tầm vóc, ý nghĩa nhiều mặt đối với cách mạng Việt Nam và được Đảng ta đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, kinh nghiệm lớn nhất của khởi nghĩa vũ trang muốn thành công là phải hội đủ các điều kiện: Khi bộ máy của chính quyền thực dân, phong kiến đã khủng hoảng trầm trọng; phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân sục sôi khắp cả nước và Đảng tiên phong đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo khởi nghĩa. Bài học từ Khởi nghĩa Bắc Sơn và các cuộc khởi nghĩa sau đó đã giúp cho Đảng ta rút kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo toàn dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

(1, 2) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 2, 102.

(3) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 552.

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H, 1996, tr.109.

(5) Trường Chinh, Diễn văn đọc trong Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn, Báo Nhân Dân ngày 30-9-1980.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/buoc-ngoat-ve-su-phat-trien-duong-loi-quan-su-cua-dang-636210