Bước ngoặt từ phát hiện di tích cư trú của người tiền sử tại Tây Nguyên

Ngày 18-9 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả khai quật sơ bộ, bước đầu trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đác Nông thuộc đề tài: 'Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đác Nông'. Kết quả cho thấy, lần đầu tại Việt Nam, phát hiện di cốt của người tiền sử và các dấu tích văn hóa liên quan cuộc sống, lao động của người tiền sử.

Các nhà khoa học tìm kiếm di vật tại hố khai quật hang C6-1. Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG

Tiến sĩ La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài) cho biết, năm 2007, khi thực hiện đề tài do UNECSO tài trợ về điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông, ông được một hướng dẫn viên du lịch dẫn tới một cái hang. Tận mắt nhìn thấy hang, với các khối đá ba-dan rải rác ở khu vực và các tài liệu địa chất ghi nhận có miệng núi lửa ở vùng đất này, ông quả quyết đây là hang động núi lửa, được hình thành trong quá trình núi lửa phun trào.

Quá trình nghiên cứu sau này đã xác định đây là một trong 45 hang lớn, nhỏ của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô (thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp, huyện Krông Nô). Đó là thời điểm đánh dấu lần đầu tại Việt Nam, phát hiện có hang động núi lửa. Ngay sau đó, TS La Thế Phúc công bố bài báo quốc tế về hang động núi lửa Krông Nô, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới, và Hội Hang động núi lửa Nhật Bản đã lập tức sang hợp tác nghiên cứu. Đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu thông qua các đề tài, đề án địa chất và hợp tác nghiên cứu quốc tế, các kỷ lục về quy mô, độ dài và tính độc đáo của hang động núi lửa Krông Nô đã được xác lập trong khối các nước Đông - Nam Á.

Hang động núi lửa Krông Nô còn đặc biệt hơn những hang động núi lửa trên thế giới bởi nó là nơi cư trú của người tiền sử. Các nhà khoa học đã phát hiện các dụng cụ lao động, sinh hoạt của người tiền sử rải rác trong các hang. Thực hiện đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đác Nông”, tháng 3-2018, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Vật lý Địa cầu… khai quật tại một hang (hang C6-1), với hố khai quật khoảng 6 m2, phát hiện rất nhiều di vật của người tiền sử, gồm đồ đá, đồ gốm, xương răng động vật, nhất là phát hiện ba ngôi mộ có di cốt người tiền sử và dấu vết của 10 cá thể khác, trong đó có năm cá thể là trẻ sơ sinh, một cá thể là thiếu niên và bốn cá thể là người trưởng thành.

PGS, TS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, qua trao đổi, các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây- li-a và In-đô-nê-xi-a… rất ngạc nhiên và cho rằng, chưa hề phát hiện di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Sở dĩ, bộ xương người phát hiện tại hang động núi lửa Krông Nô khá nguyên vẹn là do trong đất có nhiều vỏ sò, ốc là sản phẩm thải ra từ thức ăn của người tiền sử, khiến đất nhiều can-xi, tăng độ PH, là môi trường thuận lợi giữ cho xương không bị phong hóa.

Qua nghiên cứu bước đầu về bộ xương một trẻ em, PGS, TS Nguyễn Lân Cường cho biết, đó là trẻ khoảng bốn tuổi, nhưng răng cửa sữa mòn vẹt, do nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến khiến răng sữa sớm bị mòn. Do là sọ trẻ em, các đặc điểm về chủng tộc không thể hiện rõ, cho nên chưa thể kết luận chuẩn xác về chủng tộc. Tuy nhiên, từ một vài đặc điểm như mũi rộng, răng hàm có kích thước lớn, có thể nghĩ đến chủng tộc đen.

Việc phát hiện di cốt người cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một bước ngoặt của ngành cổ nhân học trong nước. Các nhà khoa học tin rằng, trong lòng hang vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn về người tiền sử, việc tiếp tục khai quật hang C6-1 vào năm 2019 hy vọng sẽ tìm được bằng chứng chính xác để tìm hiểu về người cổ sống ở Tây Nguyên. Ngoài ra, lòng đất của hang C6-1, chứa nhiều di vật thể hiện sinh hoạt và cuộc sống lao động của người tiền sử.

Các nhà khoa học đã phát hiện 32.532 mảnh xương động vật như cá, ba ba, rắn, hươu nai, lợn, tê giác, khỉ, dơi; 4.552 mảnh vỏ ốc; 3.426 mảnh vỏ hến, trai, là tàn tích khai thác tự nhiên của con người; hố bếp lửa, đồ gốm, rìu đá, hòn ghè, chày nghiền, hòn kê, bàn mài, mũi tên bằng đồng... Tại một hang khác, các nhà khoa học ghi nhận, đây là trại săn tạm thời của người tiền sử với các vết tích xương, răng động vật hoang dã và bếp lửa.

PGS, TS Nguyễn Khắc Sử, người chủ trì khai quật sơ bộ nhận định, các phát hiện đã chứng tỏ người tiền sử có trình độ cao trong viêc lựa chọn nơi cư trú. Trong hệ thống khoảng 100 hang, người tiền sử chọn hang C6-1 là điểm cư trú vì hang rộng, bằng phẳng, thông thoáng, trần hang chắc chắn, cửa hướng tây nam nhận được nhiều ánh sáng, đường lên xuống hang dễ dàng, ở gần nguồn nước, lòng hang dốc về đáy tránh được ngập lụt. Hang được người xưa cư trú lâu dài, với hai giai đoạn phát triển, giai đoạn sớm cách đây từ 7.000 đến 5.000 năm, mang đặc trưng văn hóa, kỹ thuật và truyền thống được xếp vào Trung kỳ đá mới, như: táng thức bó gập người, đồ đá kích thước nhỏ hơn; hiện diện của vỏ ốc biển.

Giai đoạn muộn cách đây 5.000 đến 4.000 năm, thuộc hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, ngoài một số dụng cụ giai đoạn trước như rìu đá, đã xuất hiện rìu tứ giác mài toàn thân, công cụ mũi nhọn bằng xương, mũi tên đồng có ngạnh, đồ gốm nung. Các giai đoạn phát triển chứng tỏ, cư dân đã thích ứng với môi trường, thể hiện qua kết quả săn bắt, thu hái các loài động vật, thực vật chung quanh. Chưa có dấu hiệu của trồng trọt và chăn nuôi; giai đoạn đầu, cư dân săn bắt các loài động vật lớn, đánh bắt cá, ốc, sò; giai đoạn muộn, đối tượng săn bắt là các loài bé hơn, số lượng loài ít phong phú hơn.

PGS,TS Nguyễn Khắc Sử cũng khẳng định, loại hình công cụ mũi nhọn làm từ xương động vật là loại hình công cụ độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên; vỏ ốc biển cũng là di vật lần đầu phát hiện ở Tây Nguyên, minh chứng cho mối quan hệ của người tiền sử nơi đây với cư dân biển.

Các nhà khoa học khẳng định, các di sản khảo cổ ở hang động núi lửa Krông Nô là di sản độc đáo, duy nhất ở Việt Nam và Đông-Nam Á. Những kết quả khai quật bước đầu ghi nhận lịch sử chiếm lĩnh và làm chủ vùng đất núi lửa của cư dân tiền sử; về quá trình phát triển văn hóa các cộng đồng dân cư trong mối tương quan với biến động môi trường, trong giao lưu và hội nhập với các nền văn hóa khác ở Tây Nguyên. Việc phát hiện di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa đã bổ sung loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ ba-dan Tây Nguyên.

Các kết quả nghiên cứu vừa qua bổ sung thêm tài liệu để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, trong đó, hang động núi lửa Krông Nô là một điểm nhấn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ bước đầu, cần mở rộng diện tích khai quật, phân tích ADN mẫu xương người, giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây, qua đó, phác dựng quá khứ của cư dân tiền sử trên đất Đác Nông.

Các nhà khoa học kiến nghị, cần có hành lang pháp lý để bảo tồn và phát huy di sản hang động núi lửa Krông Nô, trước mắt cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia, tiến tới cấp quốc gia đặc biệt. Cần nghiên cứu chi tiết để phục dựng, tái hiện môi trường sinh cảnh của người tiền sử trong hang động, phục vụ bảo tồn và trưng bày tại chỗ để khai thác du lịch.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37668702-buoc-ngoat-tu-phat-hien-di-tich-cu-tru-cua-nguoi-tien-su-tai-tay-nguyen.html