Bước ngoặt trong chính sách dân số

Để đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm công tác dân số từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sang Dân số và phát triển, theo các chuyên gia, cần giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, không đơn thuần là kế hoạch hóa gia đình.

Hiện nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu về y học, tuổi thọ của người dân tăng lên, nhưng cũng đối mặt với tình trạng dân số bước vào quá trình già hóa với tốc độ nhanh vào tốp đầu của thế giới. Điều đáng nói là nước ta chưa có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy người cao tuổi một cách tốt nhất. Điều này làm trầm trọng thêm thách thức về già hóa trong quá trình phát triển.

Các cán bộ dân số tư vấn về dân số kế hoạch hóa gia đình

Các cán bộ dân số tư vấn về dân số kế hoạch hóa gia đình

Ngoài ra, so với thế giới, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta vẫn còn thấp, chưa lọt được vào top 100 nước có chỉ số HDI cao hơn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Theo Liên Hợp Quốc, trong 30 năm tới Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ cực lớn” chịu tác động của biến đổi khí hậu. Khoảng 5,3% diện tích đất có thể bị ngập lụt. Bên cạnh đó, còn có tình trạng, dù tỷ lệ dân thành thị thấp nhưng tốc độ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh. Bởi tuy di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động nhưng việc tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới nhiều áp lực đối với hạ tầng cơ sở, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận từ năm 2006, khi tỷ số số trẻ em trai trên số trẻ em gái sinh ra trong năm lớn hơn 105. Sự mất cân bằng này đang tăng lên và đã ở mức nghiêm trọng. Năm 2016, tỷ số này lên tới 112,8/100, năm 2018 là 115,1/100. Nếu xu hướng mất cân bằng giới tính này tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ 21, dân số Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành sẽ gặp tình trạng nam nhiều hơn nữa khoảng 2,3 triệu đến 4,3 triệu người, dẫn đến hậu quả khủng hoảng về hôn nhân, phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tệ nam mại dâm, tội phạm mua bán phụ nữ, gây bất ổn xã hội và những khó khăn trên thị trường lao động,… Mặc dù vậy, mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay chỉ mới tập trung ở một số khu vực, điển hình là vùng đồng bằng sông Hồng. Theo đó, cần vận động xóa bỏ tâm lý, tập quán muốn sinh con trai “nối dõi tông đường”, đồng thời kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi.

Căn cứ những đặc điểm chính của thực trạng dân số, Nghị quyết 21-NQ/TW đặt ra mục tiêu: giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Trước đây, chính sách DS-KHHGÐ chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là mức sinh cao, thì nay phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Hơn nửa thế kỷ qua, tư duy DS-KHHGÐ đã ăn sâu trong xã hội, các cấp lãnh đạo và quản lý, mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng.

Ðể hóa giải khó khăn, thực hiện chính sách dân số trong thời kỳ mới, theo các chuyên gia, cần cụ thể hóa chính sách thông qua các chiến lược, chương trình, dự án thích hợp từng giai đoạn; kiện toàn tổ chức bộ máy, từ Trung ương đến cơ sở phù hợp mục tiêu của chính sách, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số cùng huy động cả hệ thống chính trị, xã hội và đầu tư kinh phí thỏa đáng.

Mặt khác, để dân số được đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường không thể không tính đến yếu tố dân số. Thông tin, số liệu và dự báo dân số phải được cung cấp đầy đủ cho mọi kế hoạch phát triển và phải là một trong những cơ sở đáng tin cậy của các kế hoạch này. Nói cách khác, dân số phải được lồng ghép vào kế hoạch hóa phát triển. Ðây là yêu cầu, cũng là giải pháp quan trọng khi chuyển trọng tâm chính sách dân số sang “dân số và phát triển”.

Chuyển trọng tâm dân số trước hết nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, với mục tiêu phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển. Hai là chuyển trọng tâm, không từ bỏ KHHGĐ mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Đa dạng hóa kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay. Bốn là, tính đến các yếu tố dân số trong quá trình kế hoạch hóa phát triển.

Chi Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/buoc-ngoat-trong-chinh-sach-dan-so-100869.html