Bước ngoặt đầy kịch tính ở Libya: Ai Cập vào cuộc chơi, Nga-Thổ không còn vị thế số một?

Kịch bản không mong đợi đã đến khi Ai Cập tuyên bố có thể can thiệp quân sự ở Libya. Viễn cảnh một cuộc đối đầu giữa hàng loạt thế lực đang dần trở thành hiện thực.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi (giữa) tuyên bố có thể can thiệp quân sự ở Libya để bảo vệ an ninh đất nước.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi (giữa) tuyên bố có thể can thiệp quân sự ở Libya để bảo vệ an ninh đất nước.

Ai Cập tham chiến?

Tuyên bố của Ai Cập về “tính hợp pháp quốc tế” trong việc có thể đưa quân can thiệp vào cuộc khủng hoảng Libya đã mang đến bước ngoặt kịch tính chưa từng có ở điểm nóng xung đột đang được cả thế giới chú ý.

Diễn biến quân sự ở Libya đã đảo ngược cục diện trong thời gian gần đây, khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) để mất căn cứ quân sự quan trọng và lực lượng Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang phả hơi nóng gần thành phố chiến lược Sirte và căn cứ không quân Al Jufra.

Trước tình hình trên, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã tỏ ra lo ngại về mối đe dọa địa chính trị đối với an ninh quốc gia. Giới quan sát đang thảo luận về khả năng Tổng thống Sisi có thể phát động một cuộc tấn công quân sự để chính thức can thiệp ở Libya, giúp LNA phản công.

Nhưng đó sẽ là một lựa chọn đầy thách thức và cần sự cẩn trọng. Trên thực tế, Cairo chắc chắn không muốn thấy quân đội bị lôi kéo vào cuộc xung đột phức tạp và kéo dài ở Libya.

Các tuyên bố trong tuần này của Tổng thống Sisi nhấn mạnh rằng, thành phố Sirte và căn cứ Al Jufra là lằn ranh đỏ mà Cairo đặt ra. Các lực lượng GNA đang đóng quân ở vùng ngoại ô Sirte vẫn chưa có động thái nào cho thấy đã sẵn sàng chiếm vùng lưỡi liềm dầu mỏ đang nằm dưới sự kiểm soát của LNA.

Giáo sư Hassan Nafaa từ Đại học Cairo đã bác bỏ cảnh báo của Tổng thống Sisi, cho rằng viễn cảnh Ai Cập tham gia một cuộc chiến trực tiếp ở Libya là điều khó xảy ra.

Tuy nhiên, Cairo sẽ không tha thứ cho sự bành trướng về phía Đông của lực lượng GNA, vì họ sẽ coi đây là một chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị Ai Cập coi là một quốc gia thù địch.

Các nhà phân tích khác như Thiếu tướng Samir Farag, chiến lược gia cao cấp tại Ban Cố vấn An ninh và Quốc phòng Ai Cập lại nhận thấy cảnh báo của Tổng thống Sisi là rất nghiêm trọng. “Sự can thiệp của quân đội Ai Cập vào Libya sắp xảy ra nếu lực lượng thân GNA không tôn trọng lệnh ngừng bắn”, ông nói với Al-Monitor.

“Tổng thống Sisi đã ném đá xuống mặt hồ phẳng lặng”, ông Farag mô tả, bởi tuyên bố của nhà lãnh đạo Ai Cập sẽ thúc đẩy những lời kêu gọi tương tự từ các cường quốc khu vực và trên thế giới, bao gồm từ Lầu Năm Góc và NATO.

Về phần mình, Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington, mô tả giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột Libya là cuộc chiến ủy nhiệm ở hai khía cạnh.

Đầu tiên, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, vốn đuộc coi là đối thủ của nhau ở Trung Đông. Thứ hai, Tổng thống Erdogan coi đó là một cuộc chiến ủy nhiệm với UAE, một đối thủ mới hơn trong khu vực.

"Long tranh, hổ đấu" ?

Diễn biến Libya đang có những bước ngoặt kịch tính.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng GNA Fayez Al Sarraj đã từ chối sáng kiến của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn và quay trở lại đối thoại. Giới phân tích đánh giá, sẽ không dễ dàng để có một giải pháp tạm dừng xung đột ở Libya, khi quốc gia này đang chứng kiến sự tham gia của quá nhiều thế lực muốn làm thay đổi thực tế địa chính trị.

Trong khi Nga được cho là đang ngầm ủng hộ tướng Haftar, thậm chí là cử máy bay chiến đấu đến để giúp LNA lật ngược thế cờ - điều mà cho đến lúc này Moscow vẫn luo bác bỏ - Washington tiếp tục công nhận GNA cũng như ủng hộ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối trọng của Nga.

Châu Âu cũng bị chia rẽ về cuộc khủng hoảng Libya với việc Pháp đang chống lại vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Italy ủng hộ GNA và đang phối hợp các động thái với Ankara.

Tổng thống Emanuel Macron hồi đầu tuần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò chơi nguy hiểm ở Libya, bởi các chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya đang vượt xa khuôn khổ đơn thuần hỗ trợ cho GNA.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang có kế hoạch thiết lập sự hiện diện lâu dài ở Libya trong khi thu lợi từ quyền khoan dầu trên vùng biển Libya và tại các khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải.

Mặt khác, Tổng thống Vladimir Putin cũng đang tận dụng thực tế là ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang suy yếu dần để củng cố sự hiện diện của Nga một cách âm thầm.

Tất cả các yếu tố trên cho thấy, một kịch bản tương tự Syria có thể đang chờ đón Libya đối mặt trong tương lai.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/buoc-ngoat-day-kich-tinh-o-libya-ai-cap-vao-cuoc-choi-nga-tho-khong-con-vi-the-so-mot-a480303.html