Bước ngoặt cuộc đời chàng thanh niên từng lầm lỡ

Từ bé chỉ biết cái cuốc, con dao phát nương làm rẫy nên khi được cải tạo lao động ở đội cơ khí, Lầu A Dình, SN 1990 ở Lao Chải, Sa Pa (Lào Cai) rất thích. Dình chăm chỉ làm việc và tự tin rằng sau này ra trại có thể xin đi làm thuê cho một xưởng cơ khí nào đó chứ không phải đi nương làm rẫy nữa...

Nói về phạm nhân Dình, cán bộ quản giáo phụ trách xưởng cơ khí trại giam Thanh Phong nói, Dình là người chăm chỉ và luôn có ý thức chấp hành tốt nội quy của trại.

Đi tù vì nghiện...

Dình là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, quê ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, do nếp sống du canh du cư mà về Sa Pa lập nghiệp. Mẹ hay ốm đau còn bố thì nghiện ma túy nặng nên sớm quen với cảnh bố thi thoảng lại “lên rừng làm khỉ” hay trộm tiền của mẹ đi mua ma túy về dùng. Một vài lần được bố nhờ đi mua hộ, Dình tò mò dùng thử, thấy hay lại lén lút dùng thêm vài lần nữa đến khi dính nghiện thì bố đánh đau cỡ nào cũng không bỏ được. Dình bảo học lớp 7 rồi cũng biết tác hại của thuốc phiện, biết dùng ma túy có ngày phải vào tù nhưng trót nghiện rồi thì không bỏ được.

Hỏi Dình bị bắt trong hoàn cảnh nào, anh ta cười: “Mình đi mua ma túy về để bán cho những người như mình và để sử dụng nữa, đang trên đường quay về nhà thì bị bắt”.

Với 2 chỉ heroin, Lầu A Dình bị kết án 9 năm tù. Đó là một ngày đầu năm 2016. Thời điểm đó, Dình mới 26 tuổi nhưng đã có 2 đứa con, một đứa lên 9, một đứa lên 10.

Hỏi Dình lấy vợ từ bao giờ, anh ta lại cười, khụt khịt cái mũi bảo nghiện từ trước khi có vợ, cũng không muốn lấy vợ đâu nhưng bố mẹ mất rồi, các anh chị có gia đình riêng nên “phải lấy vợ để có người còn làm nương”.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên Dình lại cười như thanh minh: “Anh trai tôi hơn tôi 10 tuổi mà có cháu gọi bằng ông rồi, chị tôi hơn tôi 3 tuổi cũng có con rể rồi đấy”.

Hỏi Dình có hay nhận được thư nhà không, anh ta lắc đầu kêu vợ không biết chữ, hai đứa con ngày Dình ở nhà cũng cho đi học nhưng từ ngày bố đi tù, chắc cũng bỏ học rồi. “Chắc chúng nó mải làm nương mà quên con chữ rồi. Em viết về mấy lá thư mà có ai viết cho em đâu, xuống đây thăm em chúng nó cũng không đi”, Dình kể.

Đã 3 năm kể từ ngày về trại giam Thanh Phong cải tạo, Dình chưa một lần được người nhà tới thăm, quà cáp lại càng không có. Theo quản giáo Thế thì Dình là trường hợp có hoàn cảnh nhất trong đội nên mỗi tháng anh lại tạo điều kiện để phạm nhân này có thêm thùng mì tôm. “Phạm nhân trong đội đa số được gia đình quan tâm, một năm cũng vài lần lên thăm nuôi, vì thế mà có thêm đồ ăn. Dình và một phạm nhân khác không có người nhà thăm nuôi nên rất dễ sinh mặc cảm. Tôi nói với đơn vị ký hợp đồng sản xuất, mỗi tháng cho thêm ít thực phẩm để phát cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để họ đỡ tủi thân, mặc cảm”, Trung úy Thế cho biết.

Lầu A Dình đang cải tạo lao động tại xưởng cơ khí trại giam Thanh Phong.

Lầu A Dình đang cải tạo lao động tại xưởng cơ khí trại giam Thanh Phong.

Ước mơ sau này đi làm cơ khí

“Mỗi ngày em làm được 60kg má côn, thừa kế hoạch nhưng em chỉ thích lúc nào cũng có việc để làm thôi. Em muốn làm cái này lắm, muốn làm thật giỏi để sau này về nhà đi xin việc”, Lầu Văn Dình thật thà bộc bạch.

Anh ta bảo không phải ghét làm nương cuốc rẫy mà bởi ngày ở nhà đã ít làm, lại mất hẳn một thời gian đi trại cải tạo nên “cái chân chắc cũng lười leo đồi núi rồi, chỉ thích đi đường bằng thôi”. Ước mơ của Dình là sau này về nhà xin được đi làm thợ cơ khí, có thể là thợ sơn hoặc thợ hàn xì cho các cửa hàng sửa chữa, gia công cửa sắt thì càng tốt.

Nhớ lại ngày mới bắt tay vào học công việc mới mẻ này, Dình bảo lần đầu nhìn thấy máy chạy nghe vui tai nhưng nhìn nó tóe ra lửa đỏ, lửa xanh thì sợ lắm nên cứ một mực xin cán bộ cho làm người phụ việc. Tuy nhiên, được một thời gian làm người quét dọn, bốc vác, Dình lại tò mò muốn được ngồi máy làm như các bạn trong đội nên những lúc rảnh rang lại sà vào chỗ bạn làm, hỏi han. Thấy Dình có vẻ háo hức muốn được ngồi máy làm, quản giáo Thế đã động viên Dình. Thế nhưng dù được chỉ bảo cặn kẽ thì cũng phải mất mấy ngày, Dình mới có đủ can đảm ngồi cầm má côn gí vào máy mài. Giờ thì anh ta không những làm thành thạo mà lúc nào cũng vượt mức quy định.

Dình khoe: “Nhiều lần em còn hướng dẫn cả cho người mới vào nữa đấy. Cán bộ đứng nghe cũng khen em”.

Hỏi về cuộc sống trong trại giam, ngoài thời gian đi lao động ra còn làm những gì nữa, nam phạm nhân này thành thật: Tôi xem tivi, chơi thể thao, hoặc ngồi nghe các bạn trong buồng tán gẫu. Nghe mọi người nhắc tới gia đình, vợ con, tôi cũng nhớ nhà lắm nhưng mà chúng nó không viết thư thì mình cũng đành chịu thôi”.

Rồi như muốn được giãi bày thêm những uẩn khúc trong lòng, Dình bảo, giờ khỏe ra, cai được ma túy. Từ ngày vào trại cải tạo thì mọi sinh hoạt có nền nếp nên Dình khỏe ra.

Dình tâm sự: “Nhất định khi trở về, em sẽ không bầu bạn với ma túy nữa. Em sẽ đi tìm việc làm và dùng số tiền kiếm được giúp đỡ vợ con. Trời lạnh thế này làm em nhớ nhà lắm”.

Ngước đôi mắt một mí nhìn xa xăm, Dình bảo đã 3 Tết rồi đón giao thừa trong trại giam, mới hiểu thời khắc sang năm mới thiêng liêng như thế nào chứ ngày ở nhà, những khi ấy chỉ có nằm ngủ bên bếp lửa vì rét. “Tết của chúng em là uống rượu, mỗi nhà uống một tí, say lúc nào không biết. Mà say rồi thì vợ dìu về, mình cứ nằm bên bếp lửa ngủ thôi, tỉnh lại đi uống tiếp. Tết trên chúng em kéo dài cả tháng cơ mà, đâu như dưới đồng bằng chỉ có mấy ngày”, Dình kể. Anh ta bảo càng nhớ Tết quê nhà, càng phấn đấu cải tạo tốt để sớm được ra tù đón Tết cùng vợ con.

Hỏi Dình sau này về nhà, gặp người quen có ngại không, anh ta cười cười: “Mình mắc lỗi thì phải chịu thôi. Đến lúc về mình không mắc lỗi nữa thì không ai trách gì đâu”. Dình chỉ lo sau này về không tìm được việc làm rồi lại bị bạn xấu rủ rê chứ ai nghĩ gì, anh ta không quan tâm lắm.

Ước mong ngày hòa nhập cộng đồng được mọi người bao dung, tạo cơ hội có việc làm không chỉ là khao khát của riêng của phạm nhân Lầu A Dình mà đó còn là mong mỏi của rất nhiều người từng một lần lầm lỡ. Họ có thể vì cải tạo tốt nên được rút ngắn thời gian cải tạo hoặc được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì hành trang quay về của họ, ngoài những gì đã học được ở trại giam, là niềm mong mỏi được mọi người đón nhận, không kỳ thị để sớm ổn định cuộc sống và đó cũng chính là cơ hội để họ khẳng định lại bản thân mình sau một thời gian đánh mất.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/buoc-ngoat-cuoc-doi-chang-thanh-nien-tung-lam-lo-173186.html