Bước ngoặt cho trí tuệ nhân tạo?

Thông qua tuyên bố mới đây, DeepMind, công ty Anh thuộc sở hữu Google, có thể đã mấp mé cột mốc đạt được trí tuệ nhân tạo (AI) cấp độ con người.

Trong tuần này, DeepMind giới thiệu một tác nhân AI mới có tên gọi là Gato, với khả năng hoàn thành 604 nhiệm vụ khác nhau "trong rất nhiều loại môi trường".

Dẫn thông báo của DeepMind, báo Daily Mail cho biết Gato sử dụng một mạng nơ-ron đơn giản, là hệ thống máy tính gồm các nút mạng kết nối nhau và hoạt động như tế bào thần kinh trong não người.

Nhờ đó, Gato có thể tán gẫu, tạo chú thích cho hình ảnh, sắp xếp các khối bằng một cánh tay robot và chơi các trò chơi điện tử của thập niên 1980…

Gato sử dụng một mạng lưới nơ-ron đơn giản để hoàn thành 604 nhiệm vụ .Ảnh: DEEPMIND

Gato sử dụng một mạng lưới nơ-ron đơn giản để hoàn thành 604 nhiệm vụ .Ảnh: DEEPMIND

Thậm chí, trong một nghiên cứu đăng tải trên kho lưu trữ điện tử Arxiv, DeepMind mô tả Gato là một "tác nhân AI của trí tuệ nhân tạo tổng quát". Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) là một cỗ máy hay chương trình có khả năng hiểu hoặc học hỏi bất cứ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người làm được.

Sau công bố của DeepMine, trang The Next Web chuyên về công nghệ mới nhận xét: "Khả năng thực hiện đa nhiệm vụ của Gato giống như một máy chơi trò chơi điện tử tích hợp sẵn 600 trò chơi khác nhau hơn là một trò chơi mà bạn có thể chơi theo 600 cách. Đó không phải là AGI". Ngoài ra, những bình luận khác đánh giá không cao chất lượng hoàn thành mỗi nhiệm vụ của Gato.

Trước những ý kiến trên The Next Web, ông Nando de Freitas - nhà nghiên cứu của DeepMind kiêm giáo sư Trường ĐH Oxford - khẳng định DeepMind, thông qua Gato, đã giải quyết được những thử thách lớn nhất trong cuộc đua đạt đến AGI.

Theo ông De Freitas, nhiệm vụ bây giờ của các nhà khoa học là tăng quy mô các chương trình AI, bao gồm nâng cấp sức mạnh máy tính và bổ sung dữ liệu, để tạo ra được một AGI đích thực.

Lâu nay, AGI vốn bị xem là mối đe dọa có thể xóa sổ loài người trong tương lai một cách cố ý hoặc vô tình. Tiến sĩ Stuart Armstrong của Trường ĐH Oxford tin rằng sẽ đến ngày máy móc hoạt động với tốc độ phi thường so với não người và khi đó, chúng sẽ chiếm quyền kiểm soát kinh tế, các thị trường tài chính, giao thông, y tế… mà không thèm đếm xỉa tới chúng ta.

Tiến sĩ Armstrong đưa ra một ví dụ: "Không để con người chịu đựng đau khổ" - một mệnh lệnh đơn giản như thế có thể bị AGI diễn dịch thành "giết tất cả con người", bởi lẽ ngôn ngữ của loài người rất dễ bị hiểu sai.

Ngay cả giáo sư thiên tài Stephen Hawking trước khi qua đời cũng nói với đài BBC: "Sự phát triển toàn diện của trí tuệ nhân tạo có thể đánh dấu sự kết thúc của nhân loại".

Về phần mình, trong một nghiên cứu năm 2016, DeepMind thừa nhận cần có "cơ chế mạnh" để ngăn chặn máy móc "hoàn thành một chuỗi hành động gây hại".

DeepMind được thành lập tại London vào năm 2010 và được Google thu mua vào năm 2014. Công ty này nổi tiếng nhờ chế tạo được chương trình AI đánh bại kỳ thủ cờ vây cửu đẳng Lee Sedol người Hàn Quốc vào năm 2016.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/buoc-ngoat-cho-tri-tue-nhan-tao-20220520193334451.htm